Phòng chống đuối nước: Để không còn những vụ việc thương tâm

Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở nhiều địa phương thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước luôn rình rập, nhất là với học sinh khi mùa Hè đang đến gần.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân là cháu bé tại hiện trường một vụ đuối nước. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước luôn rình rập, nhất là đối với học sinh khi mùa Hè đang đến gần.

Rủ nhau ra suối tắm, 3 em học sinh gồm Sầm.T.L, Lầu.T.D, Lý.T.P, cùng sinh năm 2008 và cùng trú tại xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đã bị đuối nước và tử vong.

Vụ việc đau lòng xảy ra chiều 21/4/2023 tại vực suối đoạn địa phận xóm Bản Bó, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng.

Trước đó, ngày 26/3/2023, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Nâm N'Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông xác nhận, trên địa bàn xã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm làm hai cháu nhỏ là em H.G.V. (6 tuổi) và H.T. T.T. (10 tuổi), cùng trú tại thôn Nam Thanh, tử vong.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trời nắng nóng, các cháu rủ nhau ra ao tắm, do ao sâu nên đuối nước dẫn đến tử vong.

Một vụ việc xót xa do tai nạn đuối nước khác xảy ra ngày 25/2/2023 tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã làm 4 cháu nhỏ gồm H. T. Y. N; L. T. N. H (cùng 6 tuổi) và H. Y. M; L. G. K (cùng 4 tuổi). tử vong.

Theo thông tin từ địa phương, khi bố mẹ đi làm rẫy, các cháu rủ nhau ra hồ tắm và bị đuối nước. Hồ nước nơi xảy ra tai nạn được sử dụng để chứa nước tưới càphê, cây công nghiệp nhiều năm nay.

Những con số biết nói

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới.

Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình, hơn nữa còn để lại nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.

[Đắk Nông: Tai nạn đuối nước thương tâm làm 4 cháu nhỏ tử vong]

Tại Việt Nam, theo Kết quả khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” (giai đoạn 2016-2021), tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, tuy đã giảm dần qua các năm nhưng đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên.

Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em từ 0-14 tuổi tại Việt Nam cao hơn so với tỷ suất tử vong ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu; thấp hơn các nước thu nhập thấp và cao gần gấp 10 lần các nước phát triển.

Tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm khoảng 50% các ca tử vong do tai nạn, thương tích; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (76,6%), tại gia đình (22,4%) và tại trường học (1%); trong đó nhóm 0-4 tuổi có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất và trẻ em trai cao gấp đôi trẻ em gái. Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị và 55% trẻ em tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình trạng đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em trên toàn quốc, trong đó tập trung xảy ra nhiều vào dịp chuẩn bị kỳ nghỉ hè và những tháng hè trẻ nghỉ học.

Đặc biệt, năm 2022, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, trẻ em trở lại trường, bắt đầu tham gia các hoạt động vui chơi, theo gia đình đến các khu du lịch, đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, khiến nhiều trẻ em bị tử vong, có những vụ là anh chị em trong một gia đình.

Cho đến nay, tử vong do đuối nước là mối đe dọa lớn nhất tới trẻ em, trực tiếp ảnh hưởng tới hạnh phúc của các gia đình cũng như sự phát triển của đất nước.

Cần giải pháp cấp bách

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích nhất là tai nạn đuối nước trẻ em. Việt Nam có đường bờ biển dài, địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc; một số khu vực có hệ thống sông ngòi và kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.

Hướng dẫn cho học sinh các động tác bơi tại trường Tiểu học Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bên cạnh đó, môi trường gia đình, cộng đồng còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn, có thể gây đuối nước trẻ em. Nhiều nơi còn tình trạng bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng; nhiều ao, hồ tưới tiêu trong các khu vực nương rẫy, khu dân cư không bảo đảm an toàn.

Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm; hệ thống kè sông, hồ còn được thiết kế có dốc trượt nguy hiểm.

Ngoài ra, có những trường hợp cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phòng, chống đuối nước, chưa quan tâm tạo môi trường an toàn cho trẻ em; nhiều cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, chưa thường xuyên nhắc nhở, giám sát trẻ.

Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, chưa biết bơi an toàn. Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc.

Thời gian qua, dù công tác tuyên truyền về phòng ngừa đuối nước đã được cơ quan báo chí, ngành chức năng đẩy mạnh. Nhiều vụ việc cụ thể, giải pháp phòng ngừa, kỹ năng tránh đuối nước đã được nêu ra để người dân nắm bắt và cảnh giác nhưng tình trạng đuối nước vẫn xảy ra.

Trước thực tế đó, cần đặt ra những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa tình trạng đuối nước. Ngoài giải pháp tăng cường công tác truyền thông, để phòng tránh đuối nước cần quan tâm hơn đến việc phổ cập kỹ năng bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp vùng nước xoáy hoặc sóng dữ cho trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng sông nước./.

Cách sơ cứu khi bị ngạt nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.

Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

- Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
- Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.
- Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.

Những việc làm không đúng cần tránh

- Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Do khi ngạt nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
- Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Điều này làm cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề. Vì thế tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục