Phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân trong các trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan trong trường học.
Phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân trong các trường học ảnh 1Khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh. (Ảnh: Nguyễn Thủy/ TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan trong trường học.

Theo đó, các đơn vị phải chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Các sở giáo dục và đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân tại các trường học, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non.

[Lo ngại bùng phát bệnh truyền nhiễm, hô hấp mùa Đông Xuân]

Nhà trường phải thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các bếp ăn tập thể phải được đảm bảo về an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho học sinh.

Phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân trong các trường học ảnh 2

Nếu phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nhà trường cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong trường học.  

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịp Đông Xuân, các bệnh như cúm A/H7N9, Mers-CoV, sốt vàng, dịch hạch... luôn có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, năm 2017, bệnh sởi ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam với 431 trường hợp phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong. 

Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 183.000 trường hợp mắc, 30 trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng ghi nhận hơn 105.000 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục