Phối hợp quản lý khai thác khoáng sản trên sông Hồng

Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình sẽ phối hợp tuần tra, kiểm tra đột xuất các tàu thuyền và bến bãi tập kết cát.
Khai thác cát ven sông Hồng. (Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN)

Ngày 20/3, tại tỉnh Hà Nam, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình đã ký kết Quy chế phối hợp quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh giữa ba địa phương.

Theo đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng của ba tỉnh sẽ phối hợp tuần tra, kiểm tra, kể cả kiểm tra thường xuyên và đột xuất, các tàu thuyền và bến bãi tập kết cát tại khu vực giáp ranh.

Đối với công tác cấp phép khai thác, cơ quan chức năng của mỗi tỉnh sẽ thông báo cho các bên còn lại kế hoạch của mình, để các bên nắm được và phối hợp hoạt động khi cần.

Ba tỉnh cũng thống nhất sẽ chỉ cấp phép ở khu vực cách vị trí ranh giới tối thiểu 50m; phối hợp trong công tác kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác đối với các tuyến đê, dòng chảy, hướng luồng đi lại của các phương tiện giao thông đường thủy tại khu vực giáp ranh.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng thống nhất lập đường dây nóng giữa các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh để tăng cường và duy trì hiệu quả công tác quản lý khai thác. Công an, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nội vụ và chính quyền địa phương (xã, huyện) sẽ là những lực lượng trực tiếp tham gia phối hợp theo Quy chế đã ký kết.

Đại diện các sở, ngành liên quan của ba tỉnh cũng thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận các biện pháp cụ thể, chi tiết để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao nhất.

Định kỳ hàng năm, các bên sẽ tiến hành họp để rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh nếu cần.

Quy chế phối hợp bắt nguồn từ thực tế thời gian gần đây tại khu vực giáp ranh trên các tuyến sông, nhất là sông Hồng, chạy qua địa phận ba tỉnh, tình trạng khai thác cát trái phép gây ra nhiều vấn đề về môi trường, an ninh trật tự.

Theo báo cáo của các tỉnh, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ngày một tinh vi, ảnh hưởng lớn đến địa chất, môi trường, làm thay đổi dòng chảy của sông, gây sạt lở bờ sông và khu vực dân cư sinh sống cạnh sông, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ xung đột giữa các đối tượng khai thác cát trái phép và giữa các đối tượng này với người dân và các cơ quan chức năng.

Trên thực tế, các địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn. Song do lực lượng của mỗi bên còn mỏng, đối tượng vi phạm pháp luật lại lợi dụng đặc điểm giáp ranh giữa các tỉnh nên dễ dàng lẩn tránh, trốn thoát, dẫn đến hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra xử phạt, răn đe các đối tượng chưa đạt hiệu quả cao.

Đoạn sông Hồng chạy qua ba tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên kéo dài hàng chục km.

Trên các bãi bồi ven và giữa sông khu vực giáp ranh, người dân các địa phương tiến hành canh tác từ nhiều năm nay.

Do các mốc địa giới hành chính giữa các tỉnh được xác lập theo Chỉ thị 364 của Thủ tướng Chính phủ đã bị mất gần hết sau thời gian dài, đã có những xung đột tranh chấp đất canh tác giữa dân cư các địa phương.

Do vậy, trong Quy chế phối hợp, các tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ xác lập lại các mốc theo hướng có mật độ dày hơn. Đồng thời, các bên cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là người dân khu vực giáp ranh phối hợp thực hiện, đảm bảo an ninh trật tự./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục