Phối hợp phẫu thuật thành công bướu quái khổng lồ cho bé sơ sinh

Sự phát triển của kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán hình ảnh và sự hợp tác của các chuyên gia sản-nhi đã mang đến nhiều hy vọng hơn cho các bé sơ sinh với bệnh lý u to, phức tạp.
Phối hợp phẫu thuật thành công bướu quái khổng lồ cho bé sơ sinh ảnh 1Bệnh nhi sau khi được "giải thoát" khối u quái khổng lồ vùng cùng cụt. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 4/2, theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh), trong những ngày cận Tết Nguyên đán, đơn vị này đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt lọc khối bướu quái khổng lồ nặng gần 1 kg cho trẻ sơ sinh nhờ chương trình phối hợp sản-nhi.

Bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên (Khoa Ngoại Tổng hợp) cho biết, thông qua chương trình phối hợp sản-nhi, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhận được thông tin từ Bệnh viện Từ Dũ về một trường hợp khá đặc biệt.

Đó là thai phụ L.Đ.B.T (30 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai), mang thai 27 tuần tuổi, thông qua chẩn đoán tiền sản phát hiện thai nhi có một khối u quái khổng lồ vùng cùng cụt.

Bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên nhìn nhận, thai nhi có khối u to, có khả năng 10% nguy cơ ác tính, cần được phẫu thuật sớm sau sinh. Tuy nhiên, khối u quá lớn gây nên sự chèn ép, xâm lấn cơ quan lân cận ảnh hưởng đến đường tiết niệu, tiêu hóa, còn có nguy cơ suy tim, suy hô hấp và có thể tử vong trước sinh và trước phẫu thuật.

Sau khi được tham vấn, gia đình thai phụ quyết tâm giữ lại thai nhi. Đến tuần thai thứ 36, bé gái chào đời bằng kỹ thuật sinh mổ có cân nặng 3,6 kg với khối u khổng lồ vùng cùng cụt. Ngay sau sinh, bé gái được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để chuẩn bị phẫu thuật.

[Ca phẫu thuật đặc biệt cứu sống sản phụ, thai nhi 30 tuần tuổi]

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được chẩn đoán có khối u quái khổng lồ vùng cùng cụt tuýp I, được chăm sóc tích cực tại Khoa Hồi sức sơ sinh, chuẩn bị trước mổ.

Ca phẫu thuật tiến hành ngay khi bệnh nhi mới chỉ vài ngày tuổi dưới sự chỉ đạo của bác sỹ Tạ Huy Cần (Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp) đã bóc trọn khối u to, nặng gần 1 kg, chứa các thành phần da, lông, tóc, móng, các chi, xương và ruột… Sau phẫu thuật, bệnh nhi được hồi sức ổn định, những vết khâu da cho một hình hài mới đang lành tốt.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, u quái cùng cụt (Teratoma vùng cùng cụt) có tỷ lệ mắc 1:40.000 trẻ sinh sống. U có nguồn gốc từ tế bào phôi thai, phân thành 4 loại I, II, III, IV dựa vào vị trí khối u.

Bệnh lý u quái có thể chẩn đoán tiền sản bằng siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) kỹ thuật cao giúp đánh giá tiên lượng và chuẩn bị trước sinh cũng như hồi sức sau sinh. May mắn ở trẻ sơ sinh này, u quái tuýp I có tiên lượng khả quan, nguy cơ ác tính là 10%.

Bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Xuyên nhìn nhận, ngày nay sự phát triển của kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán hình ảnh và sự hợp tác của các chuyên gia sản-nhi đã mang đến nhiều hy vọng hơn cho các bé sơ sinh với bệnh lý u to, phức tạp.

Từ đó, các bác sỹ khuyến cáo các thai phụ cần khám thai định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh tim mạch, lồng ngực, thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu… để có các biện pháp can thiệp kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục