Phố Wall tiếp tục mất điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của quý

Theo sau diễn biến ảm đạm phiên đầu tuần, chứng khoán phố Wall tiếp tục đi xuống trong ngày giao dịch cuối tháng, sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới vừa phải đón nhận một vài số liệu đáng buồn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo sau diễn biến ảm đạm phiên đầu tuần, chứng khoán phố Wall tiếp tục đi xuống trong ngày giao dịch cuối tháng (30/9), sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới vừa phải đón nhận một vài số liệu đáng thất vọng.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 28,21 điểm (0,17%), xuống 17.042,90 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 5,51 điểm (0,28%), xuống 1.972,29 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite mất 12,46 điểm (0,28%), xuống 4.493,39 điểm.

"Sắc đỏ" của thị trường cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng Chín, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của quý III, bắt nguồn chủ yếu từ báo cáo mới nhất từ Chính phủ Mỹ cho hay chỉ số lòng tin tiêu dùng của nước này trong tháng Chín đã giảm xuống mức 86, từ mức tương ứng 93,4 của tháng Tám, chấm dứt chuỗi bốn tháng tăng liên tiếp.

Giới phân tích cho rằng nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do sự gia tăng lo ngại về thị trường việc làm của Mỹ. Ngoài ra, xu hướng giảm điểm còn được củng cố bởi số liệu yếu kém về lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc và tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cụ thể, chỉ số PMI của ngành chế tạo Trung Quốc trong tháng Chín đứng ở mức 50,2, thấp hơn mức dự báo là 50,5, trong khi tỷ lệ lạm phát của Eurozone cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm.

Tuy nhiên, bất chấp chuỗi ngày mất điểm gần đây, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức tăng trong quý III vừa qua, khi Dow Jones tăng 1,29%, S&P cộng 0,62% và Nasdaq tiến 1,93%.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại biến động trái chiều, giữa bối cảnh giới đầu tư vẫn hy vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sau khi tỷ lệ lạm phát của Eurozone tiếp tục hạ thấp.

Khép lại phiên giao dịch 30/9, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 tăng 1,33%, lên 4.416,24 điểm. Tại Frankfurt, chỉ số DAX cũng tiến 0,55%, lên 9.474,30 điểm.

Tuy nhiên, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh lại hạ 0,36%, xuống 6.622,72 điểm, do tăng trưởng kinh tế Anh trong quý III chậm hơn dự tính và giá nhà ở tại nước này cũng bất ngờ sụt giảm 0,2% trong tháng Chín, đánh dấu lần giảm theo tháng đầu tiên kể từ tháng Tư.

Sang tới phiên giao dịch ngày 1/10, tại thị trường châu Á, khi các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ, thì hầu hết các thị trường khác đã đảo chiều lên điểm, nhờ tín hiệu tích cực từ kinh tế Nhật Bản.

Tuy nhiên, biên độ giao dịch còn hẹp do các nhà đầu tư vẫn thận trọng dõi theo diễn biến bất ổn chính trị tại Hong Kong (Trung Quốc). Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 tăng 41,26 điểm (0,26%), lên 16.214,78 điểm, sau khi xuất hiện báo cáo cho hay chỉ số lòng tin kinh doanh của nước này được cải thiện đáng kể trong quý III.

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX200 và Kospi của Australia và Hàn Quốc cũng lần lượt tăng 0,31% và 0,66%./.

Tin cùng chuyên mục