Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua 4 phiên trên 5 phiên đỏ sàn trong tuần qua, tiếp tục chịu tác động chính bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này khiến Phố Wall tiếp tục ghi nhận một tuần đi xuống.
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (7-8/3), thị trường chứng khoán Mỹ liên tục đi xuống khi giới đầu tư lo ngại rằng giá hàng hóa tăng vọt sẽ làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục tăng cao.
Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới tài chính OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định rằng có sự thay đổi cơ bản do căng thẳng Nga-Ukraine với “áp lực lạm phát sẽ vẫn tăng cao hơn nhiều so với dự báo và cuối cùng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái ở thời điểm nào đó trong vòng 24 tháng tới.”
Việc Nhà Trắng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine cũng tác động xấu tới thị trường.
Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch này đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Cùng lúc đó, Anh cũng cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022.
“Điểm sáng” duy nhất của Phố Wall trong tuần này là phiên giao dịch 9/3, khi thị trường lấy lại đà tăng với việc giá dầu đi xuống, bất chấp tình hình căng thẳng tại Ukraine vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh đi những tín hiệu rõ ràng về khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên tại cuộc họp vào tuần tới để chống lạm phát.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có tiến triển, bên cạnh triển vọng lạm phát và tăng trưởng đang xấu đi nhanh chóng tiếp tục đẩy thị trường cổ phiếu vào “vùng đỏ” trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này.
[Chứng khoán Mỹ giảm điểm do quan ngại về căng thẳng Nga-Ukraine]
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine hai tuần trước. Nhưng hai bên đã không đạt được tiến triển để chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hơn 2,3 triệu người phải rời khỏi nước này.
Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tổ chức này có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay do tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay. Cảnh báo này đã làm tăng thêm tâm lý bi quan của giới đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/3, chỉ số Dow Jones giảm 229,88 điểm xuống còn 32.944,19 điểm, dẫn dắt bởi đà giảm sâu của giá cổ phiếu Nike và Apple. Chỉ số S&P 500 hạ 1,3%, xuống 4.204,31 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng lùi 2,2%, xuống còn 12.843,81 điểm.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 2%, đánh dấu tuần đi xuống thứ 5 liên tiếp. Trong khi S&P giảm 2,9%, còn Nasdaq trượt 3,5%. Qua đó cả hai chỉ số này đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ quy chế đối xử kinh tế và thương mại đặc quyền đối với Nga.
Bà Von der Leyen, Chủ tịch EC cho biết gói biện pháp trừng phạt này sẽ được áp dụng kể từ ngày 12/3. Điều này sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga.
Tối huệ quốc là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo một quốc gia sẽ dành cho tất cả các quốc gia đối tác chế độ ưu đãi thương mại ngang nhau.
Tuy vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/3 cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đã xuất hiện “một số chuyển biến tích cực nhất định.” Trong khi đó, theo các nguồn tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết nước này đã đạt được “bước ngoặt chiến lược” trong căng thẳng với Nga.
Về phần mình, ngân hàng Bank of America (Mỹ) ngày 11/3 đưa ra nhận định rằng đà sụt giảm của thị trường chứng khoán do quan ngại về căng thẳng Nga-Ukraine có thể đã chấm dứt.
Savita Subramanian, chiến lược gia cổ phiếu tại công ty dịch vụ tài chính Bank of America Securities (Mỹ), cho rằng: “Thị trường nhìn chung đã trải qua các cú sốc địa chính trị, khi chỉ số S&P 500 đã giảm 9% kể từ khi các thông tin về xung đột Nga-Ukraine xuất hiện vào đầu tháng Hai, tương tự mức giảm từ 7-8% trước các sự kiện địa chính trị lớn.”
Đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán diễn ra trong bối cảnh năng lượng tiếp tục tăng giá. Giá dầu WTI tại Mỹ tăng 2,9% lên khoảng 109 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tiến 2,9% lên khoảng 112 USD/thùng. Dù vậy, giá các mặt hàng này đã rời khỏi các mức cao xác lập vào đầu tuần.
Các số liệu kinh tế công bố trong ngày cuối tuần cho thấy, chỉ số lòng tin tiêu dùng của Đại học Michigan (Mỹ) giảm mạnh từ mức 62,8 điểm trong tháng 2/2022 xuống 59,7 điểm trong tháng Ba, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 9/2011.
Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Leuthold Group (Mỹ) cho biết, thông tin về chỉ số lòng tin tiêu dùng giảm mạnh do các hộ gia đình lo sợ lạm phát tăng cao xuất hiện đã làm gia tăng mối quan ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế Mỹ, thậm chí là một cuộc suy thoái./.