Sau hai ngày giảm điểm liên tiếp, “sắc xanh” đã trở về trên Phố Wall trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (20/4), nhờ các báo cáo lợi nhuận khả quan của một số tập đoàn lớn nước Mỹ, cùng với sự gia tăng chỉ số lòng tin doanh nghiệp Đức và cam kết góp phần xây dựng “Bức tường lửa tài chính” châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm giúp khu vực này thoát khỏi “bóng đen” khủng hoảng nợ.
Trong suốt tuần qua, chứng khoán Mỹ hết tăng lại giảm do bị giằng kéo bởi sự đan xen giữa một bên là các báo cáo kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp và một bên là nỗi ám ảnh mang tên nợ công châu Âu, mà tâm điểm hiện đang là Tây Ban Nha.
Đầu tuần, chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, khi mà doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng Ba vừa qua đã tăng cao hơn dự kiến của giới đầu tư, song chỉ số ngành chế tạo tại bang New York lại bất ngờ giảm mạnh.
Ngay sau đó, kết quả đợt chào bán trái phiếu ngắn hạn thành công của Chính phủ Tây Ban Nha, cũng như các thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế Đức đã giúp giải tỏa tâm lý cho giới đầu tư và đẩy giá cổ phiếu đi lên vào ngày 17/4. Đây được coi là ngày gặt hái nhiều nhất trong vòng một tháng qua của các loại cổ phiếu chủ lực tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, diễn biến tại Phố Wall lại ảm đạm trở lại trong hai phiên giao dịch liên tiếp sau đó, bất chấp việc Tây Ban Nha đã kết thúc thành công vượt dự kiến đợt chào bán trái phiếu có kỳ hạn 10 năm và 2 năm vào ngày 19/4, do những kết quả kinh doanh kém khả quan của một số công ty Mỹ trong quý I/2012, cùng với mối lo ngại không ngừng gia tăng về tình hình nợ công tại Eurozone, sau khi xuất hiện tin đồn Pháp có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Mùa công bố báo cáo tài chính đang bước vào giai đoạn cao điểm và một loạt kết quả kinh doanh tích cực mới đây của các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ như công ty sở hữu chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's và đại gia phần mềm Microsoft đã giúp các chỉ số Dow Jones và S&P 500 quay đầu thành công trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua (20/4). Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 65,16 điểm, tương đương 0,5%, lên mức 13.029,26 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng nhẹ 1,6 điểm (0,1%), lên 1.378,53 điểm.
Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu của Apple, “cha đẻ” của dòng điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad đình đám, giảm 2,5% đã kéo chỉ số Nasdaq giảm điểm trong phiên giao dịch 20/4. Chốt phiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 7,11 điểm (0,2%), xuống 3.000,45 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,4%, đánh dấu tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp; S&P 500 cũng ghi thêm 0,6%, song Nasdaq lại giảm 0,4%, kết thúc ba tuần suy giảm liền nhau.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù kết quả thành công của phiên đấu giá trái phiếu mới nhất của Chính phủ Tây Ban Nha không đủ để làm chuyển biến hẳn tâm lý của các nhà đầu tư, song kết quả điều tra dư luận ở Đức vừa cho hay chỉ số lòng tin của giới doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng mạnh trong tháng 4/2012, đánh dấu tháng tăng thứ sáu liên tiếp. Thông tin này đã giúp chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 1,2% trong phiên giao dịch cuối tuần này và là động lực để Phố Wall “chuyển sắc."
Bên cạnh đó, việc Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde mới đây đã cam kết rằng tổ chức này sẽ huy động được 430 tỷ euro để tăng cường ngân sách cho Quỹ cứu trợ tài chính châu Âu, nhằm ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ, cũng góp phần trấn an tâm lý của giới đầu tư về tình hình bất ổn tài chính khu vực này. Tính đến nay, cam kết mà các nước thành viên đưa ra để giúp IMF thực hiện kế hoạch trên đã hoàn thành tới 80% mục tiêu này./.
Trong suốt tuần qua, chứng khoán Mỹ hết tăng lại giảm do bị giằng kéo bởi sự đan xen giữa một bên là các báo cáo kinh doanh lạc quan của các doanh nghiệp và một bên là nỗi ám ảnh mang tên nợ công châu Âu, mà tâm điểm hiện đang là Tây Ban Nha.
Đầu tuần, chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, khi mà doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng Ba vừa qua đã tăng cao hơn dự kiến của giới đầu tư, song chỉ số ngành chế tạo tại bang New York lại bất ngờ giảm mạnh.
Ngay sau đó, kết quả đợt chào bán trái phiếu ngắn hạn thành công của Chính phủ Tây Ban Nha, cũng như các thông tin tích cực về tăng trưởng kinh tế Đức đã giúp giải tỏa tâm lý cho giới đầu tư và đẩy giá cổ phiếu đi lên vào ngày 17/4. Đây được coi là ngày gặt hái nhiều nhất trong vòng một tháng qua của các loại cổ phiếu chủ lực tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, diễn biến tại Phố Wall lại ảm đạm trở lại trong hai phiên giao dịch liên tiếp sau đó, bất chấp việc Tây Ban Nha đã kết thúc thành công vượt dự kiến đợt chào bán trái phiếu có kỳ hạn 10 năm và 2 năm vào ngày 19/4, do những kết quả kinh doanh kém khả quan của một số công ty Mỹ trong quý I/2012, cùng với mối lo ngại không ngừng gia tăng về tình hình nợ công tại Eurozone, sau khi xuất hiện tin đồn Pháp có nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.
Mùa công bố báo cáo tài chính đang bước vào giai đoạn cao điểm và một loạt kết quả kinh doanh tích cực mới đây của các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ như công ty sở hữu chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald's và đại gia phần mềm Microsoft đã giúp các chỉ số Dow Jones và S&P 500 quay đầu thành công trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua (20/4). Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 65,16 điểm, tương đương 0,5%, lên mức 13.029,26 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng nhẹ 1,6 điểm (0,1%), lên 1.378,53 điểm.
Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu của Apple, “cha đẻ” của dòng điện thoại iPhone và máy tính bảng iPad đình đám, giảm 2,5% đã kéo chỉ số Nasdaq giảm điểm trong phiên giao dịch 20/4. Chốt phiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 7,11 điểm (0,2%), xuống 3.000,45 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,4%, đánh dấu tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp; S&P 500 cũng ghi thêm 0,6%, song Nasdaq lại giảm 0,4%, kết thúc ba tuần suy giảm liền nhau.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù kết quả thành công của phiên đấu giá trái phiếu mới nhất của Chính phủ Tây Ban Nha không đủ để làm chuyển biến hẳn tâm lý của các nhà đầu tư, song kết quả điều tra dư luận ở Đức vừa cho hay chỉ số lòng tin của giới doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã tăng mạnh trong tháng 4/2012, đánh dấu tháng tăng thứ sáu liên tiếp. Thông tin này đã giúp chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 1,2% trong phiên giao dịch cuối tuần này và là động lực để Phố Wall “chuyển sắc."
Bên cạnh đó, việc Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde mới đây đã cam kết rằng tổ chức này sẽ huy động được 430 tỷ euro để tăng cường ngân sách cho Quỹ cứu trợ tài chính châu Âu, nhằm ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ, cũng góp phần trấn an tâm lý của giới đầu tư về tình hình bất ổn tài chính khu vực này. Tính đến nay, cam kết mà các nước thành viên đưa ra để giúp IMF thực hiện kế hoạch trên đã hoàn thành tới 80% mục tiêu này./.
Minh Trang (TTXVN)