Những lo ngại xung quanh cuộc khủng nợ tại Hy Lạp đã làm "lu mờ" các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ và khiến chứng khoán Phố Wall khép lại tuần giao dịch cuối cùng của nửa đầu năm 2015 trong sắc đỏ.
Theo xu hướng chung của các thị trường trên toàn cầu, ngay từ đầu tuần (ngày 29/6), cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường Mỹ hạ điểm đồng loạt, trong bối cảnh Hy Lạp đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và chính phủ nước này đã phải tạm đóng cửa các ngân hàng, đồng thời áp đặt lệnh kiểm soát lượng tiền mặt rút ra trước ngày trưng cầu dân ý 5/7 về các đề xuất cải cách mà các chủ nợ yêu cầu.
Đáng chú ý, ngày 29/6 cũng là phiên giao dịch đầu tiên của năm 2015 chỉ số S&P 500 giảm hơn 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 10/4/2014.
Sắc xanh cũng xuất hiện trở lại trên Phố Wall trong hai phiên giao dịch liên tiếp sau đó, nhờ những hy vọng vào một thỏa thuận sẽ đạt được giữa Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế để nước này tránh khỏi kịch bản chia tay với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), cũng như số liệu tích cực về thị trường việc làm của Mỹ trong tháng Sáu vừa qua.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng Sáu vừa qua, khu vực tư nhân của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra thêm 237.000 việc làm, tăng so với con số 203.000 của tháng Năm và là mức tăng tốt nhất kể từ tháng 12/2014.
Tuy nhiên, Phố Wall đã kết thúc tuần giao dịch ngắn ngày để bước vào kỳ nghỉ lễ Độc lập 4/7 với sắc đỏ, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Hy Lạp trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 rằng quốc gia này đang đối mặt với tình hình tài chính nghiêm trọng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 2/7), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 27,8 điểm (0,16%) xuống 17.730,11 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,64 điểm (0,03%) xuống 2.076,78 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,91 điểm (0,08%) xuống 5.009,21 điểm. Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones mất 216,57 điểm (1,21%), chỉ số S&P 500 cũng lùi 24,83 điểm (1,18%), còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 71,30 điểm (1,40 %).
Ngoài ra, không khí ảm dạm của thị trường cổ phiếu Mỹ trong phiên này còn bắt nguồn từ xu hướng "bấp bênh" của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ tại Puerto Rico và số liệu cho thấy mức tăng trưởng việc làm tại Mỹ trong tháng 6/2015 thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Thông tin này làm "lung lay" những dự đoán cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào tháng Chín tới.
Tuy nhiên, trước nỗi lo về tình hình Hy Lạp, một số chuyên gia lại cho rằng nền kinh tế nước này quá nhỏ bé, bởi vậy thậm chí ngay cả khi kịch bản “Grexit” (Hy Lạp ra khỏi Eurozone) xảy ra thì hậu quả tác động cũng không quá khủng khiếp./.