Bất chấp đà phục hồi phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn khép lại tuần giao dịch này với mức giảm do xu hướng lao dốc diễn ra liên tiếp vào đầu tuần, khi số liệu về lạm phát mới nhất của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong ba phiên giao dịch đầu tuần này (11-13/7), Phố Wall liên tiếp đỏ sàn sau khi có thông tin về một đợt gia tăng số ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc và báo cáo về mức lạm phát cao hơn dự kiến của Mỹ.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng Sáu đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981.
[Thị trường chứng khoán châu Á phiên 15/7 diễn biến ngược chiều]
Đây là mức cao nhất trong vòng 40 năm và củng cố khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất mạnh tay vào cuộc họp sắp tới.
Đáng chú ý, trong ngày 13/7, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng euro rớt giá xuống mức 1 euro đổi được 0,9998 USD sau khi các dữ liệu kinh tế mới phản ánh lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Sáu.
Những lo ngại về khả năng nền kinh tế giảm tốc càng gia tăng khi Mỹ bước vào mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp quý 2 không mấy tích cực.
Hai ngân hàng JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley công bố lợi nhuận quý 2/2022 sụt giảm khiến chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục đi xuống phiên 14/7, song các cổ phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vi mạch (microchip) đã giúp nâng đỡ chỉ số Nasdaq để kết phiên ở vùng tăng điểm.
Trong phiên giao dịch cuối tuần 15/7, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt khởi sắc, khi thị trường phản ứng tích cực với đợt báo cáo kết quả kinh doanh mới từ các ngân hàng và dữ liệu kinh tế đầy hứa hẹn, đẩy lùi phần nào lo ngại về việc Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới để kiềm chế lạm phát.
Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 658,09 điểm (tương đương 2,15%) lên 31.288,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,92% lên 3.863,16 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,79% lên 11.452,42 điểm.
Tuy vậy, bất chấp đà đi lên phiên cuối tuần, ba chỉ số chính đều hạ điểm trong tuần qua. Dow Jones lùi 0,2%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,9% và gần 1,6%.
Các báo cáo kết quả kinh doanh từ ngân hàng Wells Fargo và Citigroup đã giúp giới đầu tư lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế. Cổ phiếu Wells Fargo tăng 6,2% ngay cả khi báo cáo lợi nhuận quý 2/2022 của họ giảm 48% và ngân hàng trích lập quỹ cho các khoản nợ xấu.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của Citigroup bật tăng mạnh 13,2% khi lợi nhuận cao hơn dự kiến và được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.
Cùng với báo cáo kinh doanh mới của ngân hàng, nhà đầu tư đã tiếp nhận dữ liệu tích cực về tâm lý người tiêu dùng và doanh số bán lẻ tốt hơn kỳ vọng của Mỹ, bất chấp giá cả leo thang.
Điều này “xoa dịu” lo ngại rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách sắp tới và chỉ ra rằng người tiêu dùng đang tăng cường chi tiêu ngay cả khi lạm phát ở mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, những nhận định từ Chủ tịch chi nhánh Fed ở Atlanta, Raphael Bostic, cho biết ông có thể sẽ không ủng hộ động thái nâng lãi suất cao hơn. Ông cảnh báo rằng việc nâng lãi suất nhanh quá có thể “làm suy yếu nhiều lĩnh vực đang hoạt động tốt”./.