Phố Wall đi lên tuần thứ ba liên tiếp, Dow Jones chạm mức kỷ lục mới

Tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 5%, còn Nasdaq Composite tăng 4,4%.
Phố Wall đi lên tuần thứ ba liên tiếp, Dow Jones chạm mức kỷ lục mới ảnh 1Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động bất nhất trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua, giữa bối cảnh các doanh nghiệp bắt đầu bước vào mùa báo cáo cáo lợi nhuận hàng quý và mối lo ngại về lạm phát vẫn còn dai dẳng.

Tuy nhiên, khép lại cả tuần, ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận mức tăng, đánh dấu tuần đi lên thứ ba liên tiếp.

Xu hướng tăng giảm trái chiều đã diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 18/10), khi tâm lý của giới đầu tư bị giằng co bởi một bên là các số liệu kinh tế “ảm đạm” của Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, còn một bên là sự lạc quan về kết quả kinh doanh quý 3/2021 của khối doanh nghiệp.

Không để các nhà đầu tư thất vọng, các doanh nghiệp Mỹ mở màn cho mùa công bố lợi nhuận quý 3 như Procter & Gamble, Netflix hay Johnson & Johnson đều cho thấy kết quả tích cực.

Điều này đã “xoa dịu” lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 gia tăng và chi phí sản xuất cao hơn sẽ làm giảm khả năng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, qua đó giúp Phố Wall bừng sắc xanh trong phiên giao dịch 19/10.

Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng quay trở lại diễn biến trồi sụt bất nhất trong ba phiên giao dịch còn lại của tuần này, khi báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết những hạn chế về đi lại và tình trạng thiếu hàng hóa đã khiến giá cả tăng cao đáng kể ở hầu hết các khu vực của Mỹ và cản trở đà tăng trưởng kinh tế.

[Số liệu kinh tế lạc quan giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai]

Mặc dù mùa công bố lợi nhuận kinh doanh quý 3 đang diễn ra rất sôi động với các kết quả khá tích cực, song giới đầu tư vẫn đang chờ đợi những nhận định từ các doanh nghiệp Mỹ về vấn đề chuỗi cung ứng và lạm phát.

Chris Zaccarelli, quản lý cấp cao của công ty tư vấn Independent Advisor Alliance có trụ sở tại Mỹ, cho rằng thị trường chứng khoán vẫn còn động lực để đi lên khi các tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra giảm dần.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ công ty dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), cho đến nay, có 82% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, đồng thời dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 3 sẽ đạt 30%.

Một diễn biến đáng chú ý là cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đã giảm hơn 10% trong ngày 21/10, phiên giao dịch đầu tiên sau hơn hai tuần tạm ngừng.

Trong một tuyên bố trước đó, Evergrande cho biết một thỏa thuận bán 50,1% cổ phần trong chi nhánh dịch vụ bất động sản của họ với trị giá khoảng 2,58 tỷ USD đã thất bại.

Tập đoàn này cũng cảnh báo rằng họ có thể không đảm bảo đáp ứng được các nghĩa vụ nợ của mình. Tình hình này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tác động của Evergrande đến nền kinh tế Trung Quốc rộng lớn hơn, với lĩnh vực bất động sản chiếm một phần lớn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và một số nhà phát triển khác gần đây không đáp ứng được thời hạn thanh toán nợ.

Tới phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 22/10), mặc dù cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều mở cửa trong sắc đỏ, nhưng chỉ số công nghiệp Dow Jones đã “lội ngược dòng” ấn tượng và đóng cửa ở mức cao kỷ lục lần đầu tiên kể từ ngày 16/8.

Còn chỉ số S&P 500 và Nasdaq vẫn chốt phiên với mức giảm do các báo cáo kinh doanh kém hơn mong đợi từ Snap Inc và Intel Corp, tạo áp lực lên nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực truyền thông và công nghệ. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có phản ứng trước việc Chủ tịch Fed Jerome Powell thảo luận về việc giảm dần các chương trình kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 73,94 điểm (tương đương 0,21%) lên 35.677,02 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 4,88 điểm (0,1%), xuống 4.544,90 điểm, chỉ một ngày sau khi chỉ số này đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 125,5 điểm (0,8%), xuống 15.090,20 điểm.

Tuy vậy, tính chung cả tuần qua, cả ba chỉ số này vẫn ghi nhận đà tăng, đánh dấu chuỗi ba tuần lên điểm liên tiếp của Phố Wall lần đầu tiên kể từ đầu tháng Bảy.

Cụ thể, Dow Jones ghi thêm 1,1%, S&P 500 cộng 1,6%, còn Nasdaq tiến 1,3%. Tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, Dow Jones và S&P 500 đều tăng hơn 5%, còn Nasdaq Composite tăng 4,4%.

Động lực tăng điểm của chỉ số Dow Jones phiên cuối tuần chủ yếu là nhờ việc các nhà đầu tư chuyển hướng khỏi các cổ phiếu công nghệ để sang các cổ phiếu blue-chip.

Giá cổ phiếu của công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia American Express dẫn đầu đà tăng của Dow Jones khi tiến 5,4%, sau khi công bố lợi nhuận vượt dự báo của Phố Wall trong quý thứ tư liên tiếp.

Trong khi đó, giá cổ phiếu của Snap Inc và Intel Corp đã kéo Nasdaq Composite đi lùi trong phiên này, sau khi cả hai công ty đều báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng. Cổ phiếu Intel giảm 1,.6% sau khi báo cáo doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng và doanh thu sụt giảm, do tình trạng thiếu hụt chip trong toàn ngành.

Còn giá cổ phiếu của Snap “bốc hơi” 26,5% do hoạt động kinh doanh quảng cáo sụt giảm liên quan tới những thay đổi về quyền riêng tư của Apple.

Nhóm cổ phiếu mạng xã hội cũng giảm trong phiên cuối tuần, với cổ phiếu Facebook và Twitter lần lượt giảm 5% và 4,8%.

Bất chấp những kết quả kinh doanh kém lạc quan trong lĩnh vực công nghệ, nhìn chung mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 của Mỹ cho đến nay vẫn rất tuyệt vời, thúc đẩy thị trường trở lại mức cao nhất trong lịch sử sau 2 tháng tạm lắng.

Tuy nhiên, Stephen Kolano, Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn đầu tư BNY Mellon Investor Solutions (Mỹ), cho rằng tình hình thị trường có vẻ vẫn bất định vào cuối năm nay do áp lực chi phí, thiếu hụt lao động, cũng như những nhận định về tình hình kinh tế và xu hướng chính sách tiền tệ từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác, ngay cả khi S&P 500 đã tăng 20% kể từ đầu năm nay.

Dữ liệu việc làm tích cực cũng góp phần hỗ trợ thị trường vào phiên này. Bộ Lao động Mỹ cho biết, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã giảm xuống mức thấp mới trong giai đoạn đại dịch là 290.000 người trong tuần trước (kết thúc ngày 15/10).

Số liệu này giảm 6.000 người so với tuần trước đó và thấp hơn so với dự báo 300.000 người từ cuộc thăm dò của Dow Jones./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục