Thoát khỏi xu hướng lình xình bất nhất từ phiên trước, sau khi giới đầu tư tiếp nhận số liệu đáng thất vọng về thị trường nhà đất Mỹ, Phố Wall đã đảo chiều đi lên trong ngày giao dịch 26/11.
Mặc dù mức tăng của các chỉ số vẫn còn khiêm tốn, do các báo cáo trái chiều từ kinh tế Mỹ, song chỉ số Nasdaq vẫn "vọt" qua ngưỡng 4.000 điểm lần đầu tiên trong vòng 13 năm qua.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones gần như đi ngang khi chỉ "nhích" không đáng kể 0,26 điểm, lên 16.072,80 điểm- tiếp tục xác lập mức cao kỷ lục mới.
Chỉ số S&P 500 cũng tăng nhẹ 0,27 điểm, tương đương 0,01%, lên 1.802,75 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 23,18 điểm (0,58%), đóng cửa ở mức 4.017,75 điểm.
Phiên này, tâm lý của giới đầu tư bị giằng co giữa các số liệu đan xen từ kinh tế Mỹ, khiến các chỉ số đi lên một cách khá dè dặt. Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố báo cáo cho hay số giấy phép xây nhà tại Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 10/2013, lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong khi đó, chỉ số S&P Case-Shiller về giá nhà tại 20 thành phố lớn nhất nước Mỹ trong tháng Chín năm nay cũng tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của giới phân tích là tăng 13%.
Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11 này lại tiếp tục giảm xuống 70,4, từ mức tương ứng của tháng Mười là 72,4- khi Chính phủ phải tạm ngừng hoạt động trong hơn 2 tuần do cạn ngân sách, đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng của thị trường việc làm và tình hình thu nhập cá nhân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những tháng tới.
Dù vậy, chỉ số Nasdaq Composite vẫn ghi dấu ấn đáng nhớ trong phiên này khi lần đầu tiên cán mốc 4.000 điểm kể từ năm 2000, nhờ mức tăng mạnh mẽ của các mã cổ phiếu nhóm công nghệ như Apple (+1,8%), Twitter (+2,9%) và Facebook (+2,4%).
Đi ngược với diễn biến tại Mỹ, cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu lại đảo chiều đi xuống, do tình hình kinh doanh có phần ảm đạm của một số hãng sản xuất rượu danh tiếng, giữa bối cảnh mùa lễ hội cuối năm đang đến rất gần.
Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,87%, xuống 6.636,22 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 0,57%, xuống 4.277,57 điểm.
Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 hạ 0,11%, đóng cửa ở mức 9.290.07 điểm.
Bất chấp đà tăng của chứng khoán Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á lại mở cửa phiên giao dịch 27/11 với "sắc đỏ", khi giới đầu tư đổ xô bán ra kiếm lời từ vài phiên tăng điểm gần đây.
Sau khi tiến lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua vào phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã mất 100,72 điểm (0,65%), xuống còn 15.414,52 điểm vào phiên giao dịch buổi sáng ngày 27/11.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Thượng Hải cũng lần lượt mất 27,33 điểm (0,12%) và 0,69 điểm (0,33%), xuống 23.653,95 điểm và 2.182,38 điểm, do thị trường đang chờ đợi các thông tin kinh tế mới nhằm định hướng đầu tư./