Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và bài toán "đau đầu" về người nhập cư

Theo giới chuyên gia, việc bà Harris tập trung vào giải pháp ngoại giao, chứ không phải vào cách mà những người xin tị nạn bị đối xử ở biên giới, là một chiến lược chính trị khó được lòng các cử tri.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và bài toán "đau đầu" về người nhập cư ảnh 1Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris (trái, phía trước) tuyên thệ nhậm chức trước thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor, tại Đồi Capitol ở Washington DC., ngày 20/1/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin tháng 3/2021, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden giao cho Phó tổng thống Kamala Harris thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao nhằm cắt giảm người nhập cư từ Mexico và khu vực “Tam giác phía Bắc” của Trung Mỹ, các chuyên gia đã mô tả công việc này “nguy hiểm” và như “quả lựu đạn chính trị.”

Những tuần tiếp theo đã cho thấy vai trò khó khăn như thế nào khi chính quyền tìm cách lắng dịu cuộc khủng hoảng ở biên giới mà đảng Cộng hòa đã sử dụng để tấn công Biden thuộc đảng Dân chủ.

Theo các quan chức chính phủ, Phó tổng thống Harris đã thúc đẩy các nước Trung Mỹ tăng cường lực lượng quân đội tại khu vực biên giới.

Bà Harris cũng cho biết bà có kế hoạch thăm Guatemala và Mexico sớm nhất trong vòng một tháng nữa.

Tuần trước, trong cuộc họp với các cố vấn bàn về nỗ lực chống tham nhũng, bà Harris đã bàn về việc giải quyết tận gốc nguyên nhân của tình trạng di cư đã xảy ra tại khu vực này trong nhiều thập kỷ - như bạo lực băng đảng, buôn bán ma túy, bão, lũ lụt và động đất - thông qua các biện pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, những vấn đề hóc búa đã nổi lên với các nhà lãnh đạo của Guatemala, Honduras và El Salvador, và trẻ em không có người đi kèm tiếp tục xuất hiện tại biên giới của Mỹ với Mexico.

Đại diện của bà Harris không đưa ra bất kỳ bình luận nào nhưng trích dẫn tuyên bố của chính quyền về vấn đề này.

Các chuyên gia và cố vấn cho biết, để thực hiện nhiệm vụ thành công, bà Harris cần cân bằng các ưu tiên trái ngược.

Các ưu tiên đó bao gồm việc duy trì khoảng cách chính trị với các nhà lãnh đạo Trung Mỹ, đồng thời phát tín hiệu Mỹ mong muốn hợp tác và có các chiến lược lâu dài nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi khiến người dân ồ ạt rời bỏ quê hương của mình, cũng như đạt được những chiến thắng nhỏ có thể mang lại hiệu quả tức thì ngay trên sân nhà.

Theo ông Andrew Selee, Chủ tịch Viện Chính sách Di cư, người gần đây đã tham gia vào một cuộc họp mà bà Harris đã triệu tập về các vấn đề trong khu vực, bà Harris vẫn đang cân nhắc đưa ra một giọng điệu thích hợp.

Ông Selee cho biết: “Vấn đề chính là làm thế nào để các bên nhận ra sự cần thiết phải làm việc với người dân trong khu vực, đồng thời kêu gọi họ tập trung vào những thiếu sót trong cách quản lý ở những quốc gia này."

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết Phó tổng thống đang làm việc với các thành viên nội các trong chính phủ Biden và ông Ricardo Zuniga, đặc phái viên Mỹ tại Tam giác phương Bắc, cũng như có các buổi ăn trưa hàng tuần với Ngoại trưởng Antonio Blinken.

Quan chức ngoại giao trên cũng cho hay, bà Harris luôn cập nhật thông tin về tình hình khu vực thông qua Bản thông báo tóm tắt hàng ngày của Tổng thống và tổ chức các cuộc họp thường xuyên với êkíp làm việc về tình hình Trung Mỹ.

Đội ngũ phụ trách nhập cư của Nhà Trắng đã cho thấy dấu hiệu của sự căng thẳng.

Ngày 9/4, Nhà Trắng thông báo một cách bất ngờ rằng Điều phối viên phụ trách khu vực biên giới phía Tây Nam thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, bà Roberta Jacobson, sẽ từ chức vào cuối tháng 4/2021.

Căng thẳng cũng đang gia tăng giữa Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh với Nhà Trắng về tình trạng quá tải tại các lều tạm ở biên giới.

Quan chức Nhà Trắng cũng cho biết bà Harris đã bắt đầu làm việc với khu vực tư nhân để mở rộng cơ hội đầu tư vào Tam giác phía Bắc và với các tổ chức quốc tế về việc thúc đẩy các nền kinh tế đó, đồng thời giám sát việc sử dụng dòng viện trợ và cố gắng gia tăng các cách thức cho những người xin tị nạn nộp đơn từ quê nhà.

Phát biểu trước báo giới ngày 19/4, bà Harris cho biết Bộ Thương mại đang lên kế hoạch cho một phái đoàn thương mại trực tuyến và Bộ Nông nghiệp đang tập trung vào các cách thức để hỗ trợ nông nghiệp trong khu vực.

Harris cho biết thêm rằng bà đã đề nghị Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hỗ trợ và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield tập hợp các đồng minh.

Trong một động thái mà một số chuyên gia Mỹ coi là thách thức đối với chính quyền Biden, các nhà lập pháp Guatemala hôm 19/4 đã từ chối tuyên thệ trước Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Gloria Porras, người mà các quan chức Mỹ coi là nhân vật hàng đầu trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng ở quốc gia này.

Ngày 30/3, trong cuộc trao đổi với bà Harris, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đặt câu hỏi về khả năng mua vaccine ngừa COVID-19, một câu hỏi không có trong văn bản thông báo tới Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 5/4, Guatemala thông báo đã mua 16 triệu vaccine Sputnik V của Nga để tiêm cho khoảng một nửa dân số cả nước.

Theo ông Selee, việc cung cấp vaccine cho các quốc gia này là cách nhanh nhất chứng tỏ sự quan tâm của Mỹ và vaccine là mối quan tâm hàng đầu của họ bởi vì đây là chìa khóa để tái khởi động hoạt đời sống kinh tế.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và bài toán "đau đầu" về người nhập cư ảnh 2Ông Joe Biden (trái) và bà Kamala Harris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một quan chức chính quyền Mỹ cho rằng không có sự đảm bảo chính trị để khẳng định nguồn cung vaccine cho các quốc gia khác trước khi tiêm chủng cho tất cả người Mỹ.

Người phát ngôn của bà Harris từ chối bình luận về vấn đề này.

Tháng 3/2021, một tòa án Mỹ đã tuyên án chung thân anh trai của Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez vì phạm tội buôn bán ma túy. Một dự luật của Thượng viện Mỹ cũng đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Honduras vì tội tham nhũng.

Lisa Haugaard, đồng Giám đốc Nhóm Công tác Mỹ Latinh, người đã tham dự cuộc họp tuần trước với Harris, cho rằng bà Harris "phải giữ khoảng cách với chính phủ Honduras ngay lúc này."

Dưới áp lực của Mỹ, Honduras và Guatemala đã gia tăng lực lượng quân đội ở khu vực biên giới nhằm ngăn chặn người dân chạy trốn khỏi đoàn người hành hương hồi tháng 3/2021. Động thái này đã bị các nhóm viện trợ chỉ trích.

Ông Noah Gottschalk, người đứng đầu chính sách toàn cầu của Oxfam Mỹ, nói: “Việc ngăn chặn người dân di cư tìm kiếm cuộc sống mưu sinh không phải là chiến thắng mà là hành động bất hợp pháp. Chúng tôi lo ngại điều này sẽ dẫn đến hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh."

Giới chuyên gia cho rằng việc bà Harris tập trung vào giải pháp ngoại giao, chứ không phải vào cách mà những người xin tị nạn bị đối xử ở biên giới, là một chiến lược chính trị khó được lòng các cử tri đảng Dân chủ và Cộng hòa trong nước.

Jennifer Piscopo, Phó giáo sư chính trị và nghiên cứu Mỹ Latinh tại trường Cao đẳng Occidental có trụ sở tại Los Angeles, nói: “Các cử tri Dân chủ không quan tâm nhiều đến các biện pháp ngoại giao như việc đối xử với người di cư tại biên giới và đó là cách thức họ sẽ đánh giá bà Harris. Sẽ rất khó để tách rời vai trò của bà khỏi những gì đang xảy ra tại biên giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục