Phó Thủ tướng yêu cầu báo chí đưa tin khách quan về vụ cá chết

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền chính xác, khách quan, khoa học về vụ cá chết ở biển miền Trung.
Phó Thủ tướng yêu cầu báo chí đưa tin khách quan về vụ cá chết ảnh 1 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra cơ sở nuôi tôm ở Công ty trách nhiệm hữu hạn Grow Best tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, ngày 24/4. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

 Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về hiện tượng hải sản chết bất thường.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an...) khẩn trương xác định nguyên nhân làm thủy, hải sản chết bất thường, bảo đảm chính xác, khách quan, khoa học, thận trọng và nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp cần thiết, yêu cầu thuê các tổ chức tư vấn, khoa học và các chuyên gia nước ngoài để thực hiện. Trường hợp nguyên nhân là do các vi phạm của tổ chức, cá nhân thì phải điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến ngày 18/4/2016, tại khu vực ven biển thuộc địa phận các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trồng (cá, tôm, ngao) và thủy, hải sản tự nhiên chết bất thường, không rõ nguyên nhân, gây thiệt hại về kinh tế, môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác, sản xuất, kinh doanh thủy, hải sản, đặc biệt gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, các bộ, các địa phương liên quan đã chủ động triển khai các hoạt động kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục, tổ chức thu gom, xử lý môi trường, hướng dẫn, khuyến cáo bà con ngư dân các giải pháp nuôi, khai thác phù hợp nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống. Đến nay, tình hình cơ bản đã ổn định, tình trạng cá chết đã giảm, vệ sinh môi trường được bảo đảm; một số lồng nuôi người dân thả thử nghiệm cá giống đã sống bình thường.

Để khẩn trương xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, xử lý, khôi phục hoạt động sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, ổn định cuộc sống của bà con ngư dân vùng bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, quan trắc, thí nghiệm mẫu nước biển, mẫu cá tại các khu vực bị ảnh hưởng của các tỉnh, xác định, kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trong khu vực thời điểm phù hợp để tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban Nhân dâncác địa phương để chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động nhằm phục vụ kiểm tra giám sát môi trường và kết nối với hệ thống giám sát tự động của tỉnh; hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan kỹ thuật chuyên môn ở các địa phương trong việc xây dựng Trạm quan trắc để kiểm soát độc lập về môi trường và thiết lập hệ thống cập nhật dữ liệu quan trắc tự động đối với các cơ sở sản xuất, các dự án có thải chất thải ra môi trường. Hỗ trợ người dân bị thiệt hại, để khôi phục sản xuất.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại để khôi phục sản xuất. Trong khi chờ xác định nguyên nhân làm cá chết; căn cứ tình hình thực tế, kịp thời hướng dẫn các địa phương và bà con ngư dân chủ động các phương án để tiếp tục khôi phục sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và kinh doanh dịch vụ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí thực hiện việc đưa tin, tuyên truyền chính xác, khách quan, đầy đủ, có cơ sở khoa học, không tạo tâm lý hoang mang trong dư luận nhân dân nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và sản xuất kinh doanh để ổn định cuộc sống của người dân.

Phó Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế kịp thời thống kê đầy đủ các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo chính xác, đúng thực tế; chủ động thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại nặng nề, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống; phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thời điểm phù hợp để chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiếp tục tổ chức nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện đúng các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ động rà soát, tự kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý chất thải của cơ sở mình, đảm bảo đúng quy định, tự giác, chủ động báo cáo với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố môi trường để kịp thời xử lý; phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước trong công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường tại cơ sở của mình.

Để việc bảo vệ môi trường đạt kết quả, giảm thiểu các tác hại do chất thải từ các cơ sở sản xuất, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn, xây dựng và triển khai hệ thống quan trắc độc lập của địa phương, nhất là đối với các cơ sở sản xuất có thải ra các chất thải, nước thải ra môi trường; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm.

Theo Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bgày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang và các nhà khoa học đã đến vùng biển đã và đang có thủy, hải sản chết để khảo sát thực địa, lấy mẫu nước biển bề mặt và mẫu trầm tích ở vùng biển Hà Tĩnh, kiểm tra môi trường, nghiên cứu làm rõ hai nhóm nguyên nhân mà Bộ đã công bố ngày 27/4.

 

Đoàn công tác cũng kiểm tra thực tế các công trình xử lý chất thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Trước một số nghi vấn về hệ thống ống xả của Formosa xả thải ra biển gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã tới kiểm tra, lấy mẫu trầm tích ở khu vực xả thải của Formosa để xác định có tình trạng nước biển bị nhiễm kim loại nặng hay không; xác định có hay không tình trạng giàu dinh dưỡng trong nước biển, một trong những yếu tố gây nên tình trạng bùng nổ số lượng thủy sinh vật như vi tảo, rong biển.

Đoàn đã tiến hành lấy mẫu nước ở tầng mặt nước và tầng đáy, đồng thời lấy mẫu trầm tích để truy tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua; kiểm tra tại hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng.

Do đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, có phạm vi ảnh hưởng lớn, nên trong quá trình xử lý ban đầu của các bộ, ngành chức năng và địa phương vẫn còn bị động, lúng túng. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, hệ thống quan trắc môi trường còn hạn chế lại chưa được kết nối liên thông giữa cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nên công tác kiểm soát môi trường còn chưa kịp thời, thiếu chính xác và chưa thường xuyên.

"Trước đây, các bộ, ngành cũng đã lấy mẫu nước và mẫu trầm tích để xác định nguyên nhân; bây giờ tiếp tục lấy các mẫu để so sánh, đối chiếu... Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học đang tích cực xác định chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, cũng như giải quyết trước mắt và lâu dài. Chúng tôi mong bà con tiếp tục tin tưởng các cơ quan quản lý nhà nước bằng trách nhiệm của mình sẽ nỗ lực để xác định chính xác nguyên nhân, với tinh thần công tâm, khoa học hết sức trách nhiệm vì nhân dân và đất nước.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn thừa nhận những sai sót, hạn chế, đồng thời nhận trách nhiệm trước sự việc này và cho rằng, đây là sự cố, một thảm họa môi trường rất lớn, hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam.

Các bộ, ngành, cơ quan mặc dù có những nỗ lực nhưng việc điều phối, triển khai chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân cũng như công luận. Trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ đánh giá việc cá chết có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân hay không thông qua việc tiếp tục tìm hiểu, kiểm tra xử lý các mẫu vật.

Sau khi có kết luận cuối cùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những hướng dẫn cụ thể để tiếp tục đánh bắt, tiêu dùng các loại hải sản. Trước mắt, Bộ tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, quan trắc nước biển nhằm minh bạch công khai thường xuyên kết quả giám sát các nguồn thải, chất thải tại vùng biển 4 tỉnh nêu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục