Ngày 2/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi đã chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số. Trong đó, xấp xỉ 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi); 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.
Bên cạnh đó, hơn 10,8 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 96%); 102 nghìn lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường bộ với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, 735.000 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường sắt với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng…
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phân tích một số nguyên nhân gây hạn chế hiệu quả của công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi. Theo đó, còn phổ biến tình trạng một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi; triển khai các hoạt động đối với người cao tuổi còn chậm.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Việc bố trí kinh phí hoạt động cho các cấp hội người cao tuổi, khám chữa bệnh định kỳ đã được quy định trong Luật Người cao tuổi nhưng có tình trạng nhiều địa phương “quên” hẳn việc này, nhiều nơi không dành không gian, quỹ đất dành cho các hoạt động văn hoá, thể thao của người cao tuổi...
Đối với quy định khám sức khoẻ định kỳ, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tốc độ già hoá dân số nhanh khiến công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc, khám sức khoẻ định kỳ tại cơ sở còn có trường hợp hình thức, hời hợt… phải chấn chỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung nâng cao trình độ, chuyên môn của các khoa, bệnh viện lão khoa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.
Bàn về thực tế còn hơn 400.000 người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế chủ yếu là đối tượng cận nghèo hoặc mới thoát nghèo, hoặc chưa đủ tuổi để được hỗ trợ 100% (80 tuổi) nên dù được hỗ trợ một phần nhưng nhiều người vẫn không mua bảo hiểm y tế.
Nhiều địa phương đã đề xuất các phương án hỗ trợ từ ngân sách, vận động con cháu có điều kiện kinh tế khá giá để mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, nếu quyết tâm thì việc bao phủ bảo hiểm y tế đến 100% người cao tuổi sẽ làm được.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động trong công tác người cao tuổi có phần đóng góp quan trọng của việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
“Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chủ trì soạn thảo Luật Công tác xã hội trong đó sẽ xem xét mô hình quỹ an sinh để khắc phục tình trạng quá nhiều quỹ khác nhau dành cho công tác xã hội ở các địa phương như hiện nay dẫn đến điều hành chồng chéo, hoặc không dành đủ nguồn lực. Trong quỹ an sinh có nhiều nhánh dành riêng cho người cao tuổi, trẻ em, người nghèo…,” Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, người cao tuổi cả nước đã tích cực tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động gia đình, hàng xóm đóng góp vật chất, ngày công, hiến đất để làm đường hay phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vai trò của người cao tuổi cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh, xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ trước đến nay, vai trò của người cao tuổi được thực hiện rất tốt trong công tác khuyến học, chúng ta cần tiếp tục phát huy và đẩy mạnh khi xây dựng xã hội học tập, ở đó người cao tuổi không chỉ động viên tinh thần con cháu mà còn trực tiếp tham gia học tập.”
Phó Thủ tướng đề nghị, trong năm 2019 các cấp, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục tình trạng “quên” bố trí kinh phí và phải hoàn thành việc lập quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở các cấp theo quy định của Luật Người cao tuổi. Các địa phương phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% người cao tuổi đều sở hữu thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám sức khoẻ định kỳ, ban đầu cho người cao tuổi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc việc giảm giá vé (50%) thăm quan di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch cho người cao tuổi; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì thu thập số liệu liên quan đến người cao tuổi trên cả nước. Đồng thời, các bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đôn đốc các hoạt động liên quan đến công tác người cao tuổi trong lĩnh vực mình phụ trách, chuẩn bị tổng kết Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020…/.