"Không để dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng" là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp diễn ra vào chiều 9/8, tại Trụ sở Chính phủ.
Cơ bản khống chế ổ dịch Đà Nẵng
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, qua đánh giá sơ bộ, dịch COVID-19 đã lây lan từ Đà Nẵng ra các địa phương khác nên khả năng mầm bệnh ở cộng đồng vẫn còn.
Do đó, các địa phương phải luôn trong trạng thái sẵn sàng trên tinh thần cảnh giác, không để dịch bệnh xâm nhập vào các bệnh viện; nếu phát hiện cần khoanh vùng ngay lập tức, tập trung truy vết các ca nhiễm.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, Bộ Y tế đã điều phối đội xét nghiệm về hỗ trợ Hà Nội để triển khai nhanh công tác xét nghiệm trên diện rộng.
Theo đó, Bộ Y tế đã phân bổ cho 4 đơn vị trực thuộc, hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm Realtime RT-PCR với 75.000 mẫu bệnh phẩm. Đồng thời, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã giao cho 11 bệnh viện khẩn trương hoàn thiện quy trình, thủ tục để triển khai xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.
Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc mạnh mẽ, chắc chắn và quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã điều chỉnh 3 lần chiến lược xét nghiệm với xu hướng mở rộng đối tượng, xét nghiệm duy nhất bằng phương pháp Realtime RT-PCR nhằm chẩn đoán ca mắc COVID-19. "Các trường hợp có yếu tố dịch tễ, nghi ngờ hoặc có triệu chứng ho, sốt, khó thở… đều phải xét nghiệm," Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế nêu rõ.
[Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hơn 700 du khách đăng ký về TP.HCM]
Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc; qua đó đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng và người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam (PHEOC) cho biết, đến nay, Đà Nẵng đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; cơ bản khống chế ổ dịch tại Đà Nẵng, hạn chế tình trạng lây lan.
Nhấn mạnh kiên định nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch,” chuyên gia Trần Đắc Phu đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện truy vết ca nhiễm; Đà Nẵng thành lập các tổ cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đang hoạt động hiệu quả.
“Không chỉ ổ dịch tại Đà Nẵng, tất cả các địa phương cần phải chú ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt các tỉnh du lịch có lượng người đi lại nhiều. Chúng ta nên làm chậm quá trình bùng phát, tránh ảnh hưởng đến người mắc bệnh nền, có ổ dịch nào khoanh vùng lại để kiểm soát,” chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cùng chung tay chiến thắng dịch bệnh
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, không chỉ riêng Đà Nẵng, Quảng Nam, tất cả các địa phương tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm người có liên quan đến các ca bệnh ở Đà Nẵng; người có tiền sử đi qua hoặc trở về từ Đà Nẵng; người có triệu chứng nhiễm bệnh. Qua báo cáo của ngành Y tế, hiện cả nước đã xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố, chủ yếu có liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.
Thực hiện các biện pháp phòng dịch đã được quán triệt từ trước, đặc biệt đã được siết chặt trong thời gian gần đây, Phó Thủ tướng tin tưởng: "Không để dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng.”
Đánh giá cao hệ thống chống dịch, đặc biệt hệ thống nòng cốt của ngành y tế, công an, quân đội đã khởi động trở lại nghiêm túc, Phó Thủ tướng yêu cần toàn bộ hệ thống duy trì liên tục, không được lơi lỏng trên tinh thần “luôn sẵn sàng.”
Qua thực tiễn công tác phòng, chống dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương phối hợp Bộ Y tế, sớm hình thành “sổ tay” hướng dẫn các địa phương khác trong trường hợp phát hiện ổ dịch mới tại các bệnh viện, thành phố khác.
Mặc dù năng lực xét nghiệm hiện nay tốt hơn so với những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh song trong một thời gian ngắn không thể xét nghiệm cho người dân, do đó, Phó Thủ tướng lưu ý các cấp, ngành chú trọng phát hiện nhanh, truy vết, xét nghiệm tất cả trường hợp được cơ quan Y tế chỉ định.
Với nguy cơ lây lan dịch bệnh thường trực trên cả nước, các địa phương tuyệt đối cảnh giác, trong đó chú trọng nâng cao ý thức của người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng ứng dụng Bluezone (để phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém); ứng dụng NCOVI (để khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ).
“Các ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp các biện pháp khác rất hiệu quả. Chúng ta kêu gọi ý thức của người dân cùng chung tay chiến thắng dịch bệnh,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát tình hình Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020.
“Đây là kinh nghiệm đảm bảo an toàn trên diện rộng, khi các hoạt động cần thiết của xã hội phải thực hiện trong điều kiện dịch bệnh,” Phó Thủ tướng nhận định.
Trên tinh thần đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát, lưu ý diễn biến tình hình dịch bệnh để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh chưa tham gia được đợt thi này trên tinh thần công bằng, nhân văn.
Số lượng mắc COVID-19 theo cụm gia đình cao
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 9/8, Việt Nam ghi nhận 841 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 317 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam, 11 trường hợp tử vong, 395 trường hợp khỏi bệnh.
Từ ngày 23/7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 397 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 42 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 355 trường hợp hầu hết có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng, tại 15 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Trị, Hải Dương, Khánh Hòa).
So với tình hình dịch bệnh giai đoạn trước, Bộ Y tế nhận định, các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng khá đa dạng với nhiều hình thức lây nhiễm khác nhau, phổ biến với hình thức lây nhiễm trong gia đình.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng mắc theo cụm gia đình cao với 81 trường hợp trong 28 cụm gia đình, so với giai đoạn trước chỉ có 2 cụm gia đình nhỏ. Hiện tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 khoảng 2,7%, người già trên 60 tuổi khoảng 30,6%.
Sau Đà Nẵng, Quảng Nam trở thành điểm dịch nóng thứ 2 với 64 trường hợp mắc, chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến thăm khám, điều trị tại cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Hiện Quảng Nam đã phong tỏa một số khu vực có nguy cơ cao, tiến hành xét nghiệm trường hợp nghi nhiễm.
Tính đến ngày 8/8, cả nước đang cách ly 178.695 người, trong đó 5.252 người cách ly tại cơ sở y tế; 27.798 người cách ly tại khu cách ly tập trung; 145.645 người cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Cả nước đã thực hiện 564.642 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23/7-9/8, Đà Nẵng thực hiện 34.870 xét nghiệm; Hà Nội thực hiện 6.282 xét nghiệm; Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 42.454 xét nghiệm./.