Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động chương trình “Bữa ăn an toàn”

Chương trình “Bữa ăn an toàn” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong việc sử dụng thực phẩm an toàn trong bữa ăn hàng ngày
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ phát động chương trình “Bữa ăn an toàn” ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng trong chương trình “Bữa ăn an toàn.” (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Sáng 20/8, tại Khu chung cư 34T Trung Hòa - Nhân Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp tổ chức lễ phát động và khai trương gian hàng thuộc chương trình “Bữa ăn an toàn” đầu tiên tại Hà Nội.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chỉ đạo, đồng hành của thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức đã có sáng kiến tổ chức chương trình “Bữa ăn an toàn” tại Hà Nội, nhất là trong thời điểm thực phẩm “bẩn” tràn lan, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng như hiện nay.

Phó Thủ tướng mong muốn chương trình sẽ luôn trung thành với những tiêu chí đã đề ra, không chỉ là cầu nối đáng tin cậy giữa nhà cung cấp thực phẩm và người tiêu dùng, mà còn đạt được mục đích nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong việc tiêu dùng thực phẩm an toàn trong bữa ăn hàng ngày, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.


[Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh làm đại sứ chương trình “Bữa ăn an toàn”]

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần xác định việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết, tập trung chỉ đạo, điều hành, ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý; quan tâm đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, thành phố cần chủ động tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Theo Ban tổ chức, chương trình “Bữa ăn an toàn” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong việc sử dụng thực phẩm an toàn trong bữa ăn hàng ngày, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo an toàn đến với bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình cần có sự kết nối chặt chẽ giữa “5 bên” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà báo, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng). Sự liên kết “5 bên” không chỉ nhằm phát hiện thực phẩm "bẩn" mà còn giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tìm ra giải pháp hiệu quả, kiểm soát chất lượng thực phẩm từ đầu nguồn.

Chương trình “Bữa ăn an toàn” được triển khai thí điểm từ năm 2017 đến năm 2020 và chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, chương trình được triển khai tại 5 khu chung cư; đến giai đoạn 4 chương trình sẽ được nhân rộng ở 30 khu chung cư với việc xây dựng các gian hàng cung cấp thực phẩm an toàn cố định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục