Ngày 21/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc Lễ hội chùa Bái Đính năm 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương dự lễ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống, đánh chiêng khai Hội chùa Bái Đính. Các đại biểu cùng đông đảo tăng ni, phật tử, du khách thập phương đã dâng hương, cầu nguyện cho quốc thái dân an, một năm mưa thuận gió hòa.
Chùa Bái Đính cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm, tọa lạc ngay trong hang động núi Đính, là một trong những danh lam nổi tiếng của đất trời Cố đô. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa Bái Đính cổ vẫn được trân trọng, giữ gìn cho đến ngày hôm nay.
[Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561 tại chùa Bái Đính]
Trước xu thế phát triển của đất nước, để phát huy giá trị văn hóa Phật giáo, chùa Bái Đính đã được mở rộng, xây dựng mới, trở thành trung tâm tín ngưỡng lớn của cả nước.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Chùa Bái Đính có nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được công nhận như chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, có hành lang La Hán dài nhất châu Á...
Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra trang nghiêm, long trọng nhưng không kém phần tưng bừng, rộn ràng với hai phần gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm các nghi thức như dâng hương cầu quốc thái dân an, dâng lục cúng, cúng dàng lên chư Phật; tưởng nhớ công đức của đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Phần hội gồm các nghi thức rước kiệu bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn, Bà chúa Thượng Ngàn và kết thúc bằng lễ rước kiệu lên chùa cổ.
Lễ hội chùa Bái Đính diễn ra từ nay đến hết tháng 3 Âm lịch./.