Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, ngành về công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ.
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ… đã nêu những khó khăn, bất cập trong thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đại biểu cho rằng, về cơ chế cần xem xét, nhận diện lại tổ chức đơn vị sự nghiệp; rà soát hệ thống tổ chức và giao quyền tự chủ đồng bộ, đồng thời, các đại biểu kiến nghị cần phân ra hai loại: Hợp đồng trong quỹ lương (vẫn được hưởng ngân sách nhà nước và ký hợp đồng) và hợp đồng ngoài quỹ lương (hợp đồng trả lương thông qua nguồn thu từ đề tài, dự án) nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn đề nghị: “Nên cho hợp đồng theo quỹ lương nhưng không vượt quá tổng biên chế. Mỗi đơn vị sử dụng quỹ lương ngân sách nhà nước được ký hợp đồng đó, khi nào thấy chín muồi thì tuyển."
[Thông tin mới về vụ việc tuyển dụng thừa hơn 600 giáo viên ở Đắk Lắk]
Đối với hợp đồng ngoài quỹ lương, theo ông Nguyễn Quang Thuấn nên khuyến khích thuê lao động, cán bộ trẻ.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chỉ rõ thực trạng hiện nay đang có tình trạng “hợp đồng chờ tuyển.”
Theo quy định của Luật Viên chức, các đơn vị chưa tự chủ không có lao động hợp đồng, còn đơn vị tự chủ có lao động hợp đồng. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng cần điều chỉnh Luật Viên chức cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong tuyển dụng.
Nêu lên những khó khăn trong việc thực hiện tinh giản biên chế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, theo số liệu thống kê, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng biên chế trong giáo dục vẫn rất lớn. Tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học khi đã vào năm học mới vẫn còn phổ biến. Từ thực trạng đó, các trường buộc phải sử dụng giáo viên hợp đồng.
“Nếu chỉ tuyển dụng giáo viên theo khung 10% một năm, chắc chắn không đủ,” ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, muốn giảm biên chế cần phải có lộ trình cụ thể. Bởi nếu thực hiện giảm biên chế theo hướng tăng số giờ dạy sẽ vi phạm thỏa thuận công việc và Bộ luật Lao động.
Hiện nay, rất khó để vừa đảm bảo số giờ giảng theo đúng quy chuẩn cho học sinh, vừa đảm bảo đúng số giao chỉ tiêu biên chế.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giảm biên chế nhưng cần lưu ý cách làm, không được để xảy ra tình trạng vì giảm chỉ tiêu biên chế mà dồn quá số lượng học sinh vào một lớp. Đặc biệt, giáo dục ở miền núi phải đảm bảo thuận lợi nhất cho học sinh.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, số lượng biên chế gián tiếp trong ngành Giáo dục còn quá nhiều, cần giảm biên chế ở các vị trí như kế toán, y tế học đường, văn phòng… hoặc phân công kiêm nhiệm trên cơ sở đảm bảo yêu cầu công việc; giảm biên chế gián tiếp nhưng không được để xảy ra tình trạng thừa-thiếu cục bộ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng lộ trình để chỉ đạo các sở, ngành tại địa phương, thực hiện sắp xếp số lượng giáo viên tuyển mới đang là lao động hợp đồng tại các huyện, thị xã để điều chuyển hoặc có hình thức phân công công việc phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các Bộ khẩn trương xây dựng và có lộ trình thực hiện công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, quán triệt các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị; trên cơ sở đó báo cáo với Chính phủ những vấn đề cần lưu ý. Trong đó, về giáo dục sắp xếp lại tự chủ khối đại học theo lộ trình từ nay đến năm 2021.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, cần biên chế đủ giáo viên để đảm bảo quyền học cho trẻ em. Về y tế, cần quan tâm hơn đến y tế dự phòng, y tế tuyến dưới, đảm bảo biên chế cán bộ, y bác sĩ khối điều trị để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân./.