Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra mỹ phẩm trên địa bàn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Số liệu của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương cho thấy, sau 5 tháng, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 78.389 vụ, chuyển khởi tố hình sự trên 537 vụ, thu nộp ngân sách và truy thu thuế trên 5.200 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng độc hại xâm nhập vào Việt Nam với số lượng lớn vẫn xảy ra.
Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước ở nhiều địa phương còn nhiều sơ hở, dẫn tới công tác buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng, nhất là vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp, phân bón...
Nhấn mạnh tại buổi làm việc với Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chiều 31/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu các cơ quan chức năng cần có cách thức đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm này, đặc biệt là trách nhiệm các cán bộ thực thi pháp luật, bởi đây là yếu tố tạo nên sự chuyển biến trong công tác chống buôn lậu.
Theo Phó Thủ tướng, nếu cán bộ thực thi pháp luật làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ không thể tồn tại hoặc diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
"Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, tập trung đánh trúng các đối tượng đầu sỏ, đầu não nhằm đảm bảo tính răn đe của pháp luật," Phó Thủ tướng lưu ý.
Là thành viên của Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thương mại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường kinh doanh và đầu tư cũng như ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngành thuế và hải quan sẽ tăng cường cán bộ chuyên môn đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bịt các kẽ hỡ cũng như chống lại các hành vi vi phạm pháp luật và gian lận thuế.
"Hiện các lực lượng chức năng chống buôn lậu đã phối hợp tốt nhưng để chuyển biến thật sự thì cần làm mạnh mẽ hơn và chỉ đạo thường xuyên hơn. Quan trọng hơn là chống được rồi, hạn chế được rồi thì phải làm quyết liệt, tránh tình trạng oan sai cho doanh nghiệp," Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói./.