Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình và đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sỹ, người có công trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, Hòa Bình là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng.
Hòa Bình có vị trí địa lý quan trọng, là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, là vùng đệm trung gian tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô.
Do đó, tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng về con người, vị trí địa lý, là điều kiện thuận lợi để Hòa Bình phát triển mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được một số kết quả khá tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng cao.
Tỉnh đã tái cơ cấu mạnh mẽ, tăng trưởng các sản phẩm mang lại giá trị cao, đưa Hòa Bình vào nhóm phát triển dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh cũng quan tâm đời sống người dân, giữ gìn, phát huy các nét đẹp văn hóa đặc sắc.
Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy được quan tâm xây dựng, kiện toàn, giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. An ninh-quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, tỉnh Hòa Bình vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt được mong muốn; khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn nhiều điểm nghẽn.
"Nguyên nhân lớn nhất là nút thắt về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cả giao thông đối nội và đối ngoại, khiến năng lực cạnh tranh của tỉnh bị ảnh hưởng" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, tỉnh cần tập trung lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; từ đó xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Trước mắt cần tập trung rà soát, bổ sung, cập nhật các Quy hoạch hiện hành, trong đó nâng cấp và mở rộng một số đô thị hiện có gắn với các trung tâm thương mại, đầu mối giao thông để phát triển đô thị là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương thời gian tới. Quy hoạch và mở rộng thành phố Hòa Bình trở thành thành phố công nghiệp, du lịch, thương mại để Hòa Bình trở thành một trong những hạt nhân phát triển của tiểu vùng Tây Bắc.
Trước hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, tỉnh Hòa Bình tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tỉnh tập trung tháo gỡ kịp thời các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; chủ động quỹ đất cho phát triển và thu hút đầu tư; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cải cách hành chính, giải quyết những vấn đề vướng mắc, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, công tác xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không làm theo phong trào; phải lấy trọng tâm là phát triển kinh tế nông thôn, cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự.
Về những kiến nghị của tỉnh Hòa Bình liên quan đến các dự án, chương trình như: Đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước của Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng; tuyến đường vành đai 5-Vùng thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng hồ Sông Đà giai đoạn 2009-2020... Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu các kiến nghị tỉnh Hòa Bình; đồng thời trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố (sinh năm 1926, xóm Máy, xã Hòa Bình, thành phố Hòa Bình) có 2 con liệt sỹ; thương binh Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1947, tổ 9, phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình), hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hòa Bình.
Chiều 24/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự buổi Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn.
Vận dụng đúng đắn và sáng tạo sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Hòa Bình là tỉnh trung du-miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, với điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Do đó, việc xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Song với sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tích xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đến nay, Hòa Bình đã có 54 xã đạt chuẩn (đạt 41,2%).
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm triển khai được hơn 2 năm nhưng đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, Lương Sơn là huyện đầu tiên và là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 2 của tỉnh (sau thành phố Hòa Bình) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Huyện Lương Sơn là địa phương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, đã có nhiều đóng góp, hy sinh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Huyện có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Hòa Bình; là cầu nối giữa đồng bằng châu thổ Sông Hồng với miền núi Hòa Bình-Tây Bắc; là đô thị vệ tinh quan trọng của Vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, huyện Lương Sơn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Với quyết tâm chính trị rất cao, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của nhân dân, kinh tế, xã hội của huyện Lương Sơn đã có bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị.
Nét nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Lương Sơn là đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo trong huy động sức dân, để người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng của nông thôn mới.
Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Lương Sơn đã thu được những kết quả rất đáng tự hào, hoàn thành 100% các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sớm 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại 4. Đây là tiền đề cho huyện Lương Sơn có cơ hội phát triển nhanh và toàn diện hơn, tạo đà tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy những yếu tố tiềm năng, phát triển kinh tế-xã hội của đô thị trong tương lai với mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững
Thừa ủy quyền lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lương Sơn.
Theo Phó Thủ tướng, đây là niềm vui “kép,” là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình nói chung, huyện Lương Sơn nói riêng. "Thành công của huyện Lương Sơn hôm nay là cơ sở để tỉnh Hòa Bình tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thành quả ban đầu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện Lương Sơn nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong đó, tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Lương Sơn nói riêng cần tiếp tục nâng cao chất lượng và đảm bảo tính bền vững các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn cần nỗ lực phấn đấu tìm ra những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Lương Sơn xứng đáng là huyện tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đồng thời, huyện cần phát huy những tiềm năng, lợi thế là một huyện miền núi cửa ngõ phía Đông của tỉnh Hòa Bình, là cầu nối giữa Hòa Bình và Hà Nội, giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc.
Theo đó, huyện tập trung phát triển đô thị huyện Lương Sơn theo đúng định hướng quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội: Là đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Huyện cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách vào điều kiện cụ thể của địa phương, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ hơn nữa, từng bước đô thị hóa nông thôn.
Trong sản xuất, huyện cần mở rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các huyện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp thu, nắm bắt những bài học kinh nghiệm của huyện Lương Sơn đã tổng kết trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới; từ đó phấn đấu trở thành các huyện tiếp theo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025./.