Phó Thủ tướng: Tránh tình trạng dự án 5 năm thì mất 2 năm chuẩn bị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương, bộ ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, tránh tình trạng dự án 5 năm thì mất 2 năm chuẩn bị.
Phó Thủ tướng: Tránh tình trạng dự án 5 năm thì mất 2 năm chuẩn bị ảnh 1Hội nghị Chính phủ với địa phương từ ngày 28/12 đến 29/12. (Ảnh: TTXVN)

Nhằm hóa giải những khó khăn do đại dịch COVID-19, tai hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra từ ngày 28/12 đến 29/12, nhiều ý kiến cho rằng việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giao thông, cũng như hóa giải các khó khăn về nguồn vốn, tín dụng ưu đãi… sẽ là những giải pháp hữu hiệu tạo đà thúc đẩy cho kinh tế hậu dịch bệnh.

Khoảng cách phát triển vùng-miền còn lớn

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ, trong năm 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống COVID-19.

Bên cạnh đó, Trung ương đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bằng các chính sách và gói hỗ trợ; các chính sách kích cầu trong kinh tế, trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn xây dựng cơ bản; trong phòng chống, khắc phục thiên tai, lũ lụt và hạn mặn…

[Bộ trưởng Tài chính: Thu ngân sách tăng hơn 150.000 tỷ đồng]

Tuy vậy, lãnh đạo thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ như việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện vẫn còn khó khăn; thậm chí khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện một số chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, giãn thuế..., xem xét, chấp thuận phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Cần Thơ làm cơ sở kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh phát triển công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến...

Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiến nghị các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông lớn, có sức lan tỏa, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên...

Đại diện Đà Nẵng cùng đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét, sớm ban hành Nghị định quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2016/NĐ-CP quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…. qua đó tạo đà giúp thành phố tăng tốc về phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Năm 2021 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, thiên tai, dịch bệnh… chính vì vậy, để  sẵn sàng với "trạng thái mới" đón đầu các cơ hội về đầu tư và phát triển, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Chính phủ tiếp tục có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế.

“Đây là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây nên,” ông Phan Ngọc Thọ nêu ý kiến.

Tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, hiện nay cả nước đã có 862 đô thị và phân bố đồng đều trên cả nước, trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng đó, ngành xây dựng đã hoàn toàn có đủ năng lực để tự thiết kế và thi công mọi công trình, mọi quy mô đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Tư lệnh ngành xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế về chất lượng phát triển đô thị, quy hoạch, trật tự đô thị và bản sắc chưa rõ trong kiến trúc đô thị và nông thôn.

“Về các đề xuất đáng lưu ý nhất của địa phương đề nghị Bộ là phê quyệt quy hoạch đô thị và tháo gỡ vướng mắc pháp luật để triển khai các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng tiếp thu và sẽ có văn bản gửi từng địa phương,” ông Phạm Hồng Hà thông tin.

Phó Thủ tướng: Tránh tình trạng dự án 5 năm thì mất 2 năm chuẩn bị ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với địa phương từ ngày 28/12 đến 29/12. (Ảnh: TTXVN)

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch; tập trung lập quy hoạch tổng thể quốc gia, đất đai, quy hoạch vùng và quy hoạch của các Bộ quản lý chuyên ngành, các quy hoạch tỉnh, để cơ bản xong trong năm 2021. Cùng với đó, dự trù các nguồn vốn, kế hoạch thực hiện cụ thể với các dự án.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, bộ ngành tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời tập trung thực hiện các thủ tục đầu tư, tránh tình trạng dự án 5 năm thì mất 2 năm chuẩn bị, cũng như đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho những dự án chậm tiến độ về thủ tục, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn…

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thông tin năm 2021, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, và biến đổi khí hậu, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để phản ứng kịp thời đảm đảm cung ứng đầy đủ thanh khoản cho nền kinh tế, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để bảo đảm đạt mục tiêu lạm phát bình quân khoảng 4% theo Quốc hội đề ra, thực hiện chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục