Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Thời điểm vàng để gỡ "thẻ vàng" IUU

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phải phối hợp tốt để tổ chức đợt cao điểm từ nay đến tháng 4/2024 dồn tất cả nhân lực, nguồn lực để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 13/12, tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp lần thứ 8 Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hội nghị được kết nối trực tuyến tại điểm cầu chính từ trụ sở Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tới trụ sở Ủy ban Nhân dân 28 tỉnh, thành phố ven biển và các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh hậu quả của việc không gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và nếu bị rút thẻ đỏ thì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Đồng thời, ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là thời điểm vàng để Việt Nam gỡ "thẻ vàng" nên các địa phương và bộ, ngành cần chung tay và quyết liệt hơn nữa để khắc phục những hạn chế, tồn tại về công tác IUU.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phải phối hợp tốt để tổ chức đợt cao điểm từ nay đến tháng 4/2024 dồn tất cả nhân lực, nguồn lực để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại để chung tay khắc phục “thẻ vàng” của EC. Các lực lượng chức năng chấp pháp trên biển tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ không để có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ Công an khẩn trương điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khảo sát tại cảng cá Cát Lở, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sau hơn 6 năm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện của Việt Nam trong công tác chống IUU.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục; đặc biệt là tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại địa phương nên chưa thể gỡ được “thẻ vàng.” Nếu để tình trạng này kéo dài nguy cơ bị nâng cảnh báo lên “thẻ đỏ” là rất cao.

Ngày 5/12/2023, EC đã có Công thư chính thức (Ref.Ares (2023)8304503) về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.

EC đã khuyến nghị Việt Nam, tăng cường biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.

Do đó, cần sớm thông qua sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về việc coi hành vi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế không được phép mà không cần phải chứng minh có khai thác hay không là hành vi vi phạm.

Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng số liệu, dữ liệu tàu cá vẫn chưa được cập nhật đầy đủ.

Số lượng tàu cá đã giảm phù hợp với chiến lược phát triển ngành thủy sản của Việt Nam, giảm 10% quy mô đội tàu mỗi năm cho đến năm 2030; trong đó, đội tàu từ 15 mét trở lên đã giảm khoảng 2.000 chiếc so với năm 2019.

Tuy nhiên, EC khuyến nghị, phải kiểm soát chặt để đảm bảo tất cả các tàu cá đã hủy đăng ký không được phép hoạt động khai thác; đảm bảo tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase và theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện cập nhật; duy trì việc cấm đăng ký tàu mới, kiểm soát chặt chẽ tàu cá “3 không.”

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng “Quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đảm bảo tính bền vững, cân bằng giữa trữ lượng, đội tàu và cường lực khai thác…

Qua kết quả EC làm việc tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định và Trung tâm giám sát tàu cá tại Trung ương vẫn còn các tồn tại, hạn chế về kiểm soát tàu cá tại cảng, xử lý vi phạm quy định mất kết nối VMS (mặc dù đã lắp đặt VMS rất tốt, đạt gần 100%).

EC khuyến nghị phải đảm bảo được tất cả các tàu được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định; tàu không đủ điều kiện hoạt động phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ, không cho phép để ngư cụ trên tàu.

Bên cạnh đó, EC cũng chỉ ra việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác còn chưa đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát; vi phạm nghiêm trọng việc hợp thức hóa hồ sơ các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng.”

EC khuyến nghị Việt Nam cần phải tiến hành điều tra các cảng cá có liên quan trong việc hợp thức hóa hồ sơ, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cùng với việc khẩn trương triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thống nhất, đồng bộ, liên thông và không được phép sửa đổi, EC yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thủy sản khai thác; cấp trung ương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các cảng cá chỉ định mà vi phạm phải đưa ra khỏi danh sách. Cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và kiểm soát không để xảy ra tình trạng một giấy xác nhận (SC) được sử dụng để thực hiện nhiều chứng nhận (CC).

Ngoài ra, khâu thực thi pháp luật, xử lý hành vi vi phạm quy định về VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn tồn tại.

EC đánh giá địa phương chưa vào cuộc quyết liệt và khuyến nghị, cần phải thực hiện có tính răn đe, hệ thống và thống nhất; tất cả vi phạm phải được xử lý, không có trường hợp ngoại lệ; tăng cường sự giám sát của chính quyền trung ương đối với thực thi pháp luật tại địa phương đảm bảo xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm…

Các ý kiến thảo luận tại cuộc họp cho thấy nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế mà EC chỉ ra là do người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tại một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, bố trí nguồn nhân lực (kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện) tại địa phương còn hạn chế; một số tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ.

Khâu phối hợp giữa các địa phương trong kiểm soát hoạt động tàu cá của tỉnh và tỉnh khác hoạt động trên địa bàn chưa chặt chẽ, để xảy ra hiện tượng tàu cá mua bán, chuyển nhượng từng tỉnh này sang tỉnh khác không làm thủ tục sang tên đổi chủ, đăng ký lại tàu cá; tàu cá của tỉnh này hoạt động, neo đậu trên địa bàn của tỉnh khác nhưng lực lượng chức năng tại địa phương chưa kiểm soát, phối hợp xử lý các tàu cá vi phạm IUU.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao vì lợi lích kinh tế mà cố tình vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài như ngắt kết nối hoặc gửi thiết bị VMS sang tàu khác, xóa đăng ký hoặc sử dụng đăng ký giả.

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU trong thời gian tới, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 5 vào tháng 4/2024, đại biểu dự hội nghị đề nghị các lực lượng cần thực hiện biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Cùng đó, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU.

Trước đó, vào sáng cùng ngày đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đi khảo sát việc thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định tại cảng cá Cát Lở, thành phố Vũng Tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục