Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Sẵn sàng mọi phương án thoát lũ sông Hoàng Long

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân; đồng thời sẵn sàng mọi phương án thoát lũ sông Hoàng Long.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại mưa lũ tại khu vực đê hữu sông Hoàng Long, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại mưa lũ tại khu vực đê hữu sông Hoàng Long, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều tối 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Đoàn công tác đã kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long, có nguy cơ ảnh hướng đến hơn 58.000 người dân thuộc 12 xã, hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Tại Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi thị sát thực tế tại đập tràn đê hữu Hoàng Long, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn và Trạm bơm Gia Viễn.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng thủy văn, lưu lượng xả nước của các hồ thủy điện, diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long, kịp thời triển khai các biện pháp đã chuẩn bị, sẵn sàng về lực lượng, vật tư, trang thiết bị.

"Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, bão số 3 gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cây xanh và cơ sở hạ tầng bị hư hại khoảng 50 tỷ đồng; 2.604 nhà ngoài đê bị ngập sâu khoảng 1-2m.

Chiều tối 12/9, mực nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy xuống chậm. Tỉnh Ninh Bình tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các dự báo về mưa lũ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó theo các kịch bản đã được phê duyệt trong công tác vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu, sông Đáy tại Ninh Bình lên chậm.

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Bình, vào 19 giờ ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,93m (trên báo động 3 là 0,93m); tại Gián Khẩu 4,5m (trên báo động 3 là 0,8m) và tại sông Đáy tại Ninh Bình 4,2m (trên báo động 3 là 0,7m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 là 0,26m.

Dự kiến, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống, tỉnh Ninh Bình khẩn trương khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Trong trường hợp mực nước sông Hoàng Long tiếp tục lên vượt mức 5,3m tại Bến Đế, tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị các phương án phân lũ chi tiết, "nước đến đâu có phương án đến đó," trong đó kịch bản nghiêm trọng nhất sẽ có khoảng 58.000 người dân, tại 12 xã của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ảnh hưởng.

Tỉnh Ninh Bình căn cứ tình hình thực tiễn và khả năng chống chịu của các tuyến đê tả, hữu sông Hoàng Long để có quyết định, giải pháp phù hợp, kịp thời, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục