Chiều 6/9, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, do vậy, chính quyền địa phương và nhân dân không được chủ quan, lơ là, tuyệt đối tuân thủ các chỉ đạo của Trung ương, địa phương để giảm thiểu tối đa tổn thất về người, tài sản. Đặc biệt, cần chú ý đến hoàn lưu bão, mưa lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại huyện Vân Đồn, mỏ khai thác than lộ thiên của Công ty Than Hà Tu (thành phố Hạ Long) và thị xã Quảng Yên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh càng chủ động phòng, chống sớm sẽ hạn chế được thiệt hại, giảm bớt tổn thất cho nhà nước và nhân dân.
Phó Thủ tướng thông tin theo dự báo, khoảng 1 giờ ngày 7/9, bão sẽ tiếp cận Vịnh Bắc Bộ nên các địa phương, đơn vị cần dành thời gian tập trung phòng, chống trên tinh thần sẵn sàng phương án "bốn tại chỗ," phối hợp nhịp nhàng các lực lượng, đảm bảo phòng ngừa tốt từ lãnh đạo đến người dân.
Theo Phó Thủ tướng, đến thời điểm này, các địa phương đang làm rất tốt công tác chủ động phòng, chống nhưng cần tăng cường kiểm tra, đưa ra kịch bản cho các vùng khác nhau, nhất là khu vực bão sẽ vào sớm gồm các xã đảo, huyện đảo, khu vực ven biển, tiếp giáp biển.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong đêm nay, tỉnh Quảng Ninh phải di dời dân ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng bão đến nơi an toàn vì từ 8-12 giờ ngày 7/9 là thời điểm bão đổ bộ đất liền, trung tâm vùng gió mạnh, nhân dân và chính quyền các địa phương tuyệt đối chấp hành yêu cầu đảm bảo an toàn, trước hết là tính mạng người dân.
Dự báo, với bão số 3, ngoài gió mạnh, vùng hoàn lưu bão rất lớn, khả năng có những khu vực mưa lớn, không chỉ ở ven biển mà còn vùng đồi núi nên cần chú ý sạt lở, lũ ống, lũ quét…, đặc biệt là cơ sở sản xuất như, mỏ lộ thiên hầm lò.
Kiểm tra tại mỏ khai thác than lộ thiên của Công ty Than Hà Tu (thành phố Hạ Long), Phó Thủ tướng đánh giá ngành than đã chủ động phòng, chống. Đặc biệt, đã tạm dừng hoạt động sản xuất, huy động lực lượng ở các công ty than tham gia phòng, chống bão và có thể tham gia cứu nạn cứu hộ cho vùng khác khi cần thiết.
Theo ghi nhận đến 17 giờ ngày 6/9, gần 5.600 tàu cá các loại của Quảng Ninh đã nhận được thông tin về bão, di dời tới nơi tránh trú bão an toàn. Trên 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện gia cố, chằng chống, buộc dây đảm bảo an toàn.
Ngư dân và người lao động trên cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được di chuyển lên bờ, đảm bảo tuyệt đối không để người trên lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông tin tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra việc chuẩn bị ứng phó bão số 3, đình hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đồng thời, người đứng đầu sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản. Toàn tỉnh thực hiện cấm biển, ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi từ 11 giờ ngày 6/9.
Các địa phương và lực lượng vũ trang huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, 68 ôtô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực tại địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Lực lượng chức năng chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như, vải bạt chống sóng, đá hộc, bao tải, rọ thép, dây thép, vải lọc… để gia cố tại những vị trí xung yếu trên tuyến đê./.
Các địa phương dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại do cơn bão số 3
Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão số 3 với tinh thần ở mức cao nhất.