Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cần phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 10 tập trung kêu gọi tàu, thuyền tránh trú vào nơi an toàn hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm, đồng thời sơ tán dân khỏi các lồng bè, chòi canh, những khu vực nguy hiểm trước khi bão ảnh hưởng tới đất liền.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo như vậy trong cuộc họp ngày 2/11 tại Hà Nội về ứng phó với bão số 10.
Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"
Phó Thủ tướng yêu cầu bên cạnh việc chủ động ứng phó với bão số 10, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục khắc phục hậu quả đợt mưa lũ và bão số 9 vừa qua (nhà ở, bệnh viện, trường học, đường giao thông...).
Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn hồ thủy điện, thủy lợi, đê điều (đặc biệt là những hồ xung yếu), cần có sự rà soát các hồ đập, tuyến đê xung yếu có nguy cơ mất an toàn để tu bổ, sửa chữa; thực hiện tốt công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định.
"Theo dự báo, bão số 10 đã đi vào Biển Đông và được nhận định có diễn biến phức tạp, bão di chuyển vào đất liền gây mưa lớn cho các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, trước đó khu vực này đã bị ảnh hưởng lớn bởi mưa lũ và bão số 8 và số 9. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong việc ứng phó với thiên tai. Các lực lượng chủ lực như công an, bộ đội, Quân khu 4, Quân khu 5 phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong việc ứng phó bão số 10 và khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, động viên thăm hỏi những gia đình có người mất trong đợt thiên tai vừa qua," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
[Infographics] Đường đi của cơn bão số 10 trên Biển Đông
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt. Đây là vấn đề rất khó dự báo, cảnh báo, ứng phó. Tại nhiều nơi, người dân đã sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng trong thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất. Nhiều nước có điều kiện địa chất, địa hình tương tự Việt Nam cũng gặp phải nhiều sự cố sạt lở đất, khó dự báo dù đã áp dụng khoa học, công nghệ, các công cụ cảnh báo.
Từ thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần tổ chức các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học để phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt có tính thiết thực, ứng dụng hiệu quả trong phòng, chống thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 10, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.
Các cơ quan truyền thông cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo hướng kịp thời, chính xác để thông tin được phủ khắp tới người dân, giúp họ biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.
Ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần ban hành Công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 10.
Bão số 10 cập bờ gây mưa cho khu vực Trung Bộ
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Mai Văn Khiêm cho biết bão Goni đã đi vào Biển Đông và chính thức trở thành cơn bão số 10 của Việt Nam.
Theo bản tin lúc 9 giờ của Trung tâm, vào hồi 7 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên trong khoảng 140km tính từ tâm bão.
Đến 7 giờ ngày 3/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Đến 7 giờ ngày 3/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong ngày 2/11, bão số 10 có cường độ cấp 8-9. Khi vào Nam Hoàng Sa, bão có thể mạnh lên cuối cấp 9, đầu cấp 10, sau đó lại suy yếu khi áp sát bờ biển Đà Nẵng-Phú Yên. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trên Biển Đông, bão số 10 ở cấp 8-9, vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 10, giật cấp 13, gây sóng cao 5-7m. Trên vùng biển ven bờ, bão ở cấp 8-9, giật cấp 11, gây sóng cao 3-5m. Nước dâng do bão vùng ven bờ khoảng 0,5m.
Bão số 10 có thể cập bờ vào ngày 5/11 và gây mưa. Đáng lưu ý là từ ngày 4-6/11, các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa với lưu lượng 100-200mm/đợt, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa với lưu lượng từ 300-400mm/đợt.
Từ ngày 5-7/11, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa với lưu lượng từ 150-300mm/đợt.
Mực nước tại các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức báo động 2-báo động 3, thậm chí trên báo động 3. Mực nước tại các sông chính từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, tại các sông ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức báo động 1-báo động 2 và trên báo động 2. Mực nước tại các sông nhỏ lên mức báo động 3.
Chỉ đạo ứng phó bão số 10
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủ y ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 34/CĐ-TW ngày 31/10 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa về việc chủ động ứng phó với siêu bão Goni; văn bản số 166/TWPCTT ngày 30/10 gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi về việc tăng cường ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin từ ngày 31/10 khi bão còn ở phía Đông Philippines; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến phục vụ công tác chỉ đạo.
Các địa phương trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão đã triển khai công điện của Ban Chỉ đạo và sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 10.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết hiện tại, lực lượng biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.585 tàu cá với 233.327 thuyền viên, trong đó 1.255 tàu với 12.767 thuyền viên đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để đi chuyển phòng tránh; 48.330 tàu với 220.560 lao động đang neo đậu tại bến.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiểm tra các vị trí đóng quân có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất. Có 30 vị trí đóng quân có nguy cơ sạt lở đất đá đã được di chuyển; 1.876 điểm đóng quân có phương án ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Tại cuộc họp trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết thêm tính đến 6 giờ ngày 2/11 bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm 33 người chết, 49 người mất tích, 15.484 ngôi nhà bị ngập (Nghệ An có 13.573 nhà, Hà Tĩnh có 1.909 nhà)./.