Phó Thủ tướng Singapore đề cao vai trò của các doanh nghiệp Mỹ

Theo ông Heng, khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức nhất định và các tập đoàn Mỹ có thể đóng vai trò xây dựng trong việc giúp khu vực này đối phó với những thách thức đó.
Phó Thủ tướng Singapore đề cao vai trò của các doanh nghiệp Mỹ ảnh 1(Nguồn: The Star)

Trong bài phát biểu ngày 9/3 tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh châu Á- Thái Bình Dương của 28 phòng Thương mại Mỹ (AmChams), Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat cho rằng đà phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19 có thể kéo dài và diễn ra không đồng đều.

Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong hai năm tới, khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ có tốc độ phục hồi nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, theo ông Heng, khu vực trên cũng phải đối mặt với những thách thức nhất định và các tập đoàn Mỹ có thể đóng vai trò xây dựng trong việc giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối phó với những thách thức đó.

Thách thức lớn nhất là sự bất ổn về tình hình đại dịch COVID-19. Ông Heng khẳng định cho đến nay, mặc dù nhiều khu vực của châu Á-Thái Bình Dương đã ngăn chặn đại dịch COVID-19 tương đối tốt nhưng việc phục hồi sẽ còn bị hạn chế khi mà biên giới giữa các nước vẫn bị đóng và các biện pháp phong tỏa, cách ly vẫn đang được áp dụng.

[Nền kinh tế Singapore suy giảm mạnh nhất từ trước tới nay]

Ông Heng cho rằng việc đảm bảo cung cấp đủ vaccine cho tất cả các quốc gia là điều quan trọng để chấm dứt đại dịch.

Phó Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh vai trò của chương trình Tiếp cận Toàn cầu Vaccine COVID-19 (COVAX) giúp cung cấp vaccine cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình.

Ông Heng hoan nghênh việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã cam kết đầu tư 4 tỷ USD cho COVAX, và các doanh nghiệp cũng có thể đóng góp một phần vào chương trình này.

Thách thức thứ hai đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà ông Heng nêu ra là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, với những yếu tố nội bộ trong mỗi nước khiến cho không nước nào muốn tỏ ra yếu thế.

Theo ông Heng, ngoài Trung Quốc, một điều quan trọng nữa là Mỹ cần phải tiếp cận và “giao tiếp” với phần còn lại của châu Á.

Một sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực sẽ là một “yếu tố ổn định quan trọng" và sẽ cho phép Mỹ tiếp tục gặt hái những thành quả từ sự tăng trưởng lâu dài của khu vực này.

Các doanh nghiệp Mỹ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa và trở thành đối tác trong việc tham gia kinh tế mạnh mẽ hơn của Mỹ vào khu vực.

Thách thức thứ ba mà ông Heng đề cập chính là về các khoản nợ toàn cầu đang gia tăng, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nợ chính phủ ở các nước đang phát triển khu vực châu Á sẽ tăng lên chiếm khoảng 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm 2021, tăng từ mức 57% GDP vào năm 2019.

Theo ông Heng, nếu không được giải quyết cẩn thận, những gánh nặng nợ nần và lạm phát có thể khiến suy giảm khả năng của các nền kinh tế đầu tư bền vững vào các cơ hội đang nổi lên.

Ông Heng cũng lưu ý ba lĩnh vực tăng trưởng quan trọng đối với sự phát triển của khu vực và các cơ hội đầu tư hiện tại, đó là về cơ sở hạ tầng, bao gồm năng lượng sạch, giao thông và cơ sở hạ tầng thông minh; nền kinh tế kỹ thuật số; và phát triển bền vững.

Ông Heng khẳng định Singapore có thể là một đối tác trong việc này và có thể là cơ sở, nền tảng để các công ty Mỹ khai thác hơn nữa tiềm năng của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục