Phó Thủ tướng: Nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020

Nghị quyết số 42 là mốc son về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phó Thủ tướng tin tưởng nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, đóng góp vào cơ cấu lại chính sách vĩ mô...
Phó Thủ tướng: Nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020 ảnh 1Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: CTV)

“Các tổ chức tín dụng tuân thủ và thượng tôn pháp luật trong xử lý nợ xấu, không có ngoại lệ, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn, tăng cường bồi dưỡng phát huy văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, công khai trách nhiệm giải trình với nhà nước và cộng đồng.”

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058) được tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội.

Mỗi tháng xử lý được gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình, toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng/tháng, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình giai đoạn 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

[Xử lý nợ xấu: Cần có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp]

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng: “Đến nay, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã đi vào triển khai được 2 năm. Thời gian tuy chưa dài nhưng có thể khẳng định các giải pháp đồng bộ trong 2 văn bản quy phạm trên cùng với Quyết định 986 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với các mục tiêu phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới.”

Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đi đầu về xử lý nợ xấu, ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, Nghị quyết 42 tạo ra một hành lang pháp lý rất quan trọng cho Việt Nam nói chung và cho ngành ngân hàng nói riêng. Những năm trước đây thường Vietcombank thu được từ 1.500-2.000 tỷ đồng nợ ngoại bảng, nhưng năm 2018 Vietcombank đã thu được khoảng 3.200 tỷ đồng, tăng 56% so với các năm trước, năm nay dự kiến còn cao hơn nữa.

“Điều đó chứng tỏ thực tế là Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống. Nghị quyết 42 có tên là thí điểm xử lý nợ xấu, chúng tôi rất mong muốn sau 2 năm thì Nghị quyết này sẽ thường xuyên chứ không phải thí điểm nữa,” ông Dũng nhấn mạnh.

Những nút thắt cần gỡ

Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực nhưng các đại biểu tham dự hội nghị đều thừa nhận quá trình triển khai đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình là trong việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc triển khai xử lý, cơ cấu lại 3 ngân hàng mua bắt buộc và các tổ chức tín dụng yếu kém do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, quá trình xử lý phụ thuộc vào quá trình đàm phán với nhà đầu tư và phải lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành và các cơ quan liên quan…

Ông Dũng chia sẻ, Nghị quyết 42 đưa ra rất rõ nguyên tắc là quyền ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nợ có bảo đảm của tổ chức tín dụng khi có tài sản đảm bảo liên quan đến các vụ án. Tuy nhiên cũng chưa có hướng dẫn cụ thể của Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính về thực hiện ưu tiên đó dẫn đến trong thực tế một số chi cục thuế địa phương chỉ thực hiện theo chính sách và nhiệm vụ của họ. Tức là vẫn phải yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện tất cả các nghĩa vụ thuế trước khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu tài sản.

“Những nội dung đó là vướng mắc trong thực tế, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ có văn bản cụ thể để hướng dẫn các chi cục thuế địa phương thực hiện một cách thống nhất các nguyên tắc đã được đề ra của Nghị quyết 42,” ông Dũng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020 ảnh 2Mỗi tháng ngành ngân hàng xử lý được gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu. (Ảnh: CTV)

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, nhiều dự án thu hồi tốt nhưng ngân hàng này cũng gặp vướng mắc. Đặc biệt, trong quá trình phát sinh thuế, có nhiều tài sản đảm bảo đưa ra đấu giá thành công nhưng mặc dù thu hồi nợ dưới giá gốc nhưng cơ quan thuế và địa phương áp dụng khác nhau, kéo dài gây thiệt hại vì không thể chuyển đổi, sang tên.

Ông Vượng lấy dẫn chứng về dự án xi măng Thanh Liêm tại Hà Nam được trả chậm 20 năm nhưng cơ quan thuế yêu cầu nộp thuế ngay 40 tỷ đồng dù đã có nhiều văn bản miễn, giảm thu. Đây là bất cập.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Đồng tình với kết quả và đánh giá về xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết số 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

“Chúng tôi cảm ơn Quốc hội đã thấu hiểu chia sẻ những khó khăn trong xử lý nợ xấu để ban hành Nghị quyết số 42, tạo ra sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu. Hiện đã có 11 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2 và nhiều ngân hàng 'sạch' nợ ở VAMC,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.

Với tiến độ hiện nay, Phó Thủ tướng tin tưởng nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng và các chính sách vĩ mộ khác.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nỗ lực lớn của ngành ngân hàng và sự chia sẻ, phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành khác, Toà án, Viện Kiểm sát và các địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát Nghị quyết 01 hàng năm của Chính phủ; khẩn trưởng phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng còn lại; tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện phương án mua lại các ngân hàng yếu kém; xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu thông tin tài sản; tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra của ngành, có cơ chế cảnh báo sớm, tập trung vào các vấn đề có rủi ro cao để không phát sinh thêm nợ xấu mới.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới toàn ngành sẽ bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tham mưu xử lý về vấn đề tăng vốn của các ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần hóa Agribank.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung xử lý phương án cơ cấu lại một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và đặc thù cơ cấu lại đối với từng tổ chức... 

Bên cạnh đó, đơn vị này sẽ tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; chủ động nhận diện các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để có các giải pháp ngăn ngừa nợ xấu phát sinh; tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục