Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Thí điểm khôi phục đường bay từ 10-20/10

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án, sớm ban hành để làm cơ sở thực hiện thí điểm từ ngày 10-20/10; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước.

Dự kiến thí điểm khôi phục 23 đường bay từ ngày 10-20/10/2021

Tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải đã trình bày phương án thí điểm và quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Kế hoạch khai thác các chuyến bay được thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021 với 23 chuyến khứ hồi/ngày (46 chuyến/ngày). Dự kiến bao gồm 10 chuyến khứ hồi từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các địa phương, 6 chuyến khứ hồi từ Hà Nội, 4 chuyến từ Đà Nẵng và 3 chuyến từ Thanh Hóa.

Hành khách phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; đồng thời có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay; thực hiện khai báo y tế trước khi lên máy bay.

[Hàng không nói gì về lo ngại giá vé tăng khi mở cửa đường bay?]

Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách phải luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương; tự cách ly, theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày kể từ ngày về địa phương.

Phát biểu thảo luận, các địa phương nhất trí với phương án thí điểm và các quy định tạm thời do Bộ Giao thông vận tải dự thảo.

Một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa… đồng tình với phương án thí điểm bay và có nhiều đề xuất cụ thể.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh việc thí điểm bay phải kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là khâu xét nghiệm trước khi lên máy bay; nên phải cụ thể về đối tượng hành khách trong thời gian thí điểm, hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có xét nghiệm PCR; đồng thời cũng phải phân loại đối tượng khách từ vùng xanh, vùng nguy cơ cao, vùng có nguy cơ...

Còn theo đại diện tỉnh Thanh Hóa, với diễn biến những ngày gần đây, bà con đi từ phía Nam về Thanh Hóa bằng đường bộ rất lớn và đã có phát sinh ca lây nhiễm. Tỉnh cũng đang tính phương án đón người dân về quê bằng cả đường sắt.

Theo dự thảo về thí điểm bay của Bộ Giao thông vận tải, Thanh Hóa có 4 đường bay, 1 chuyến/ngày; tuy nhiên tỉnh đề xuất 10 ngày thí điểm chỉ bay tuyến Thanh Hóa-Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/tuần.

Đại diện tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ chi tiết hơn các quy định về số lượng người thân đi cùng hành khách trên các chuyến bay; thống nhất về phân loại các trường hợp theo dõi sức khỏe nơi cư trú, tự cách ly tại nhà và xét nghiệm.

Cũng nêu lên vấn đề này, đại diện tỉnh Quảng Nam đề nghị cần làm rõ, cụ thể hơn về quy định "người dân có nhu cầu bức thiết"; quy định cụ thể hơn về người thân đi cùng; phân loại đối tượng theo mũi tiêm vaccine để có các biện pháp cách ly y tế khác nhau.

Đại diện tỉnh Quảng Bình đồng tình với phương án thí điểm bay nhưng nêu lên vấn đề thiếu nhân lực hàng không để đảm bảo các biện pháp, quy định an toàn bay.

Do đó, đại diện tỉnh Quảng Bình đề nghị giao cảng vụ hàng không phối hợp, chỉ đạo các cảng hàng không, các hãng hàng không để hỗ trợ và thông tin về hành khách.

Đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã bảo dưỡng dàn máy bay để đảm bảo an toàn khi trở lại bay. 100% nhân viên hàng không được tiêm mũi 1; 100% phi công, 80% tiếp viên tiêm 2 mũi. Như vậy, lực lượng phục vụ trực tiếp các chuyến bay đã đảm bảo an toàn. Do đó, Vietnam Airline đề nghị không phải liên tiếp xét nghiệm đối với đội ngũ nhân viên hàng không, phi công, tiếp viên vì đã đảm bảo tiêm vaccine và an toàn bay.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng khẳng định Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương để có trao đổi thông tin kịp thời về danh sách, các thông số liên quan đến hành khách đi như: tên tuổi, số điện thoại, nơi đi, nơi đến và địa chỉ nơi cư trú… để thường xuyên theo dõi và có điều chỉnh kịp thời.

“Chúng tôi cũng rất mong các địa phương chia sẻ khó khăn của ngành hàng không và quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ trong chương trình này,” ông Thắng nói.

Việc cho thí điểm bay nội địa rất quan trọng trong việc khôi phục kinh tế-xã hội, rất bức thiết với sản xuất kinh doanh, nhu cầu người dân và với ngành hàng không.

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng trong thời gian thí điểm, tần suất trên mỗi chuyến bay không quá 50%, sau đó mới nâng dần lên.

Hành khách từ nơi lưu trú đi qua một số địa phương để đến sân bay và ngược lại, các địa phương nên tạo điều kiện bởi để lên máy bay, hành khách đã phải tiêm đủ liều vaccine, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, “chứ qua mỗi địa phương lại gặp một trạm kiểm soát thì rất khó khăn,” Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Tổ chức thật tốt các chuyến bay thí điểm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc khôi phục các đường bay là rất cần thiết để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, dần đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, sức khỏe của nhân dân.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần triển khai thí điểm khôi phục vận tải hàng không một cách thận trọng, an toàn, không nóng vội, kiểm soát chặt chẽ an toàn dịch bệnh tại sân bay đi-đến, trên tàu bay và quá trình di chuyển về các địa phương; đảm bảo các địa phương nắm chắc tình hình, không để lây lan và bùng phát thành các ổ dịch.

"Muốn vậy, phải tiến hành từng bước và mở rộng dần, trước hết là tổ chức thí điểm từ ngày 10-20/10 với mỗi đường bay chỉ tổ chức một chuyến khứ hồi. Quan điểm là phải rất thận trọng để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ trung ương đến địa phương, nếu không tổ chức phối hợp tốt thì rất dễ gây bùng phát dịch, mặc dù tổ chức ít chuyến bay,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án, sớm ban hành để làm cơ sở thực hiện thí điểm từ ngày 10-20/10/2021; sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.

Trong thời gian thí điểm, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải tuân thủ tuyệt đối quy trình, tiêu chuẩn khai thác hàng không, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay do đã tạm dừng khai thác hàng không trong thời gian dài; thực hiện điều tiết các tuyến bay, giờ bay an toàn, thuận tiện, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương trong việc bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch.

Các địa phương trên toàn quốc chủ động hướng dẫn các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn thực hiện kiểm soát chặt chẽ người dân, hành khách từ vùng dịch về địa phương mình, tuyệt đối không để bùng phát thành các ổ dịch phức tạp./.

Biểu đồ các vùng xanh, đỏ (tính đến 4/10/2021)

*Vùng xanh:
- 13 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai.
- 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.

*Vùng nguy cơ, nguy cơ cao và vùng đỏ (có ca cộng đồng những ngày gần đây): 43 tỉnh, thành phố

-Miền Nam: 24 tỉnh, thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau, Hậu Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Trà Vinh
-Miền Bắc: 7 tỉnh, thành phố
Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa -Miền Trung-Tây Nguyên: 12 tỉnh, thành phố Quảng Bình, Đắk Lắk, Quảng Trị, Nghệ An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục