Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Cán bộ làm quy hoạch phải có bản lĩnh

"Qua thống kê, 80% các vụ tham nhũng đều liên quan đến đất đai. Do vậy người làm quy hoạch phải bản lĩnh, không thế lực nào can thiệp được," Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị của ngành xây dựng.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Sáng 18/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành xây dựng.

Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đạt 25,5m2/người

Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý 4/2021, trong đó có ngành xây dựng. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước quý 4/2021 tăng 33% so với quý 3/2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%.

Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý 4 nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020, đây là một kết quả khá tích cực.

Về các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, năm 2021, giá trị lũy kế giải ngân vốn công đã được phân bổ từ 1/1/2021 đến ngày 15/12/2021 là 193,601 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch năm 2021.

[Bộ Xây dựng: Thủ tục hành chính trong xây dựng còn dư địa cải cách lớn]

Bộ Xây dựng đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2021 như: đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công; tập trung thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát để phát hiện các quy định chưa phù trong thực tế hoạt động xây dựng để tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về chỉ tiêu trong năm 2022, ngành xây dựng phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96-5,56%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5-42%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng sẽ quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Trong số đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành xây dựng: hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương; tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng đã nghiệm thu tốt đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận ngành xây dựng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng so với năm 2020. Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng lớn nhưng hầu hết các chỉ tiêu quản lý ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Công tác xây dựng thể chế được tập trung thực hiện và đạt được kết quả nổi bật. Qua thống kê, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính gửi về cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ Xây dựng xử lý giảm qua từng năm và đã giảm mạnh vào năm 2021 (chỉ bằng 50% so với năm 2020) cho thấy các giải pháp phân cấp phân quyền đã phát huy hiệu quả, tạo sự chủ động cho các địa phương.

Các hoạt động quy hoạch-kiến trúc và quản lý phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng có những chuyển biến quan trọng; chất lượng công trình cơ bản được kiểm soát, đảm bảo an toàn công trình; công tác thanh tra, kiểm tra; thẩm tra, thẩm định thiết kế-dự toán, nghiệm thu công trình và quản lý năng lực các chủ thể hoạt động xây dựng được thực hiện nghiêm túc, góp phần hạn chế thất thoát lãng phí, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng và an toàn công trình.

Phó Thủ tướng đánh giá cao thời gian qua Bộ Xây dựng phối hợp tốt với Bộ Giao thông vận tải đã nghiệm thu đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Bộ Xây dựng với tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh, có năng lực, trình độ trong chức năng thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu công trình. Hiện công trình đã vận hành tốt, người dân phấn khởi. Bên cạnh đó, một loạt dự án Bộ Xây dựng nghiệm thu trong thời gian qua chất lượng cũng rất tốt.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, nhất là những thời điểm thị trường bất động sản có biến động bất thường; chủ động đề xuất với Chính phủ và triển khai các giải pháp góp phần duy trì sự ổn định và tăng trưởng của thị trường bất động sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu lên ngành xây dựng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Một số nhiệm vụ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật còn chậm so với yêu cầu. Đặc biệt là việc theo dõi, đánh giá tác động đối với một số cơ chế, chính sách còn chưa toàn diện, chưa sát thực tế, chưa được điều chỉnh kịp thời. Ở một số đô thị còn điều chỉnh quy hoạch chưa bảo đảm khoa học, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định (đặc biệt tại các đô thị lớn, khu vực phát triển mới,…). Đầu tư phát triển đô thị chưa đồng bộ về hạ tầng, thiếu tính kết nối, đặc biệt hệ thống công viên, cây xanh và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch còn xảy ra nhiều, đặc biệt tại một số đô thị lớn, khu vực ven đô… Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, nhất là tại các địa phương.

"Nếu cứ duy trì tình trạng như này thì không thể có đô thị văn minh được. Nên phải có giải pháp từ trung ương đến địa phương," Phó Thủ tướng lưu ý.

Cần đánh giá và có giải pháp về quản lý trật tự xây dựng

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành Xây dựng phải tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đột phá về xây dựng thể chế chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các ngành, các địa phương, đơn vị nhằm tạo môi trường thuận lợi, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.

"Một trong những trọng tâm mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội xác định vừa qua là thể chế, là phân cấp, phân quyền cho các bộ ngành, địa phương. Đến nay đã đạt những bước đầu quan trọng. Nhưng vướng mắc để khơi thông nguồn lực còn nhiều vướng mắc, nhiều dự án từ khi có chủ trương đến khi triển khai được mất đến hàng năm," từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng cần tập trung thật cao vào cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi các thủ tục trong các văn bản hành chính. Việc này rất quyết định đến môi trường đầu tư kinh doanh.

"Ở địa phương này chậm thì doanh nghiệp sẽ chuyển hướng đầu tư sang địa phương khác. Trên bình diện quốc gia, chậm thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ sang đầu tư ở quốc gia khác," Phó Thủ tướng nói.

Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành Xây dựng nữa là tổ chức lập các quy hoạch, quản lý, điều chỉnh quy hoạch.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

"Muốn quy hoạch tốt thì phải có được đội ngũ cán bộ làm quy hoạch có năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh. Bởi quy hoạch xây dựng liên quan trực tiếp đến đất đai, trong khi qua thống kê, 80% các vụ tham nhũng, tiêu cực đều liên quan đến đất đai. Do vậy người làm quy hoạch phải bản lĩnh, không thế lực nào can thiệp được," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngành Xây dựng quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong thực hiện quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng (xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch), nhất là tại các đô thị và khu vực phát triển mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp-cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

"Qua đi thực tế phòng, chống dịch vừa qua, tôi thấy riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh có 700.000 căn nhà cho thuê, diện tích chỉ khoảng 9m2/căn hộ, nhưng có đến 3 triệu công nhân, người lao động sinh sống ở đó. Có những căn nhà 8-9m2 nhưng có cả 2 vợ chồng, con nhỏ cùng ở, không có khu bếp, khu vệ sinh riêng,... Từ đó đặt ra vấn đề quản lý xây dựng của chúng ta như nào, trách nhiệm của địa phương như nào," Phó Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh kịp thời các công cụ quản lý đầu tư xây dựng (định mức, tiêu chuẩn, chỉ số giá,.….) phù hợp với thực tiễn hoạt động xây dựng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng đổi mới về thiết bị công nghệ, vật liệu xây dựng, biện pháp thi công... để từng bước hiện đại hóa ngành xây dựng.

"Hệ thống định mức hiện rất cũ, không còn phù hợp với các trang thiết bị, công nghệ hiện đại hiện nay, nên chưa khuyến khích cho các đơn vị đầu tư trang thiết bị hiện đại. Vấn đề này liên quan đến hiệu quả của cả nền kinh tế chứ không chỉ là định mức xây dựng," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó là tiếp tục phát triển sản xuất vật liệu xây dựng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường với sản phẩm đa dạng, có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người dân và xuất khẩu; chú trọng phát triển các sản phẩm vật liệu mới thân thiện với môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục