Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng BCĐ Quốc gia về phát triển ngành Dược

Thủ tướng vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; theo đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Trưởng ban.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 23/7/2024 thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Trưởng ban.

Bộ trưởng Bộ Y tế làm Phó Trưởng ban. Ủy viên Thường trực là Thứ trưởng Bộ Y tế (phụ trách lĩnh vực dược).

Các Ủy viên gồm Đại diện lãnh đạo: Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an; Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Cục trưởng Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế.

Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo làm Ủy viên Ban Chỉ đạo và gửi Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chức năng của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam

Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển công nghiệp Dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trưng bày giới thiệu cây thuốc dược liệu, sản phẩm thuốc, khu vực điều chế thuốc Đông y cổ truyền, không gian tư vấn bắt mạch…. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo gồm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm triển khai đạt các mục tiêu tại Chiến lược 1165 và tại Chương trình 376.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối các hoạt động, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chiến lược 1165 và Chương trình 376. Đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương trong triển khai các nhiệm vụ tại Chiến lược 1165 và Chương trình 376; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về phát triển ngành dược.

Tham mưu Thủ tướng Chính phủ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về triển khai Chiến lược 1165 và Chương trình 376.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Tổ chức các đoàn làm việc để chỉ đạo, đôn đốc, thúc đẩy triển khai Chiến lược 1165 và Chương trình 376. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Thủ tướng Chính phủ giao

Bộ Y tế là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo

Quyết định nêu rõ Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng của bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Y tế trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, danh sách cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo.

Thời hạn hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo từ ngày ban hành Quyết định này (ngày 23/7/2024) đến hết ngày 31/12/2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục