Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến ngày 16/5 vừa qua, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm ngoái và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm trước và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù các tổ chức tín dụng có điều kiện để tăng tín dụng trong những tháng đầu năm do thanh khoản của hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần, tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nguyên nhân là do cầu tín dụng giảm, sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế khó khăn khi 3 động lực tăng trưởng suy yếu. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 3 lần lãi suất điều hành trong các tháng Ba, Tư và Năm của năm nay với mức 0,5-1,5%.
[Lãi suất tiếp tục 'hạ nhiệt,' bất động sản chờ dòng tiền quay trở lại]
Quyết định này thể hiện tính quyết đoán rất cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng Trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành ngay trong các tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương vẫn đang trong tiến trình tăng lãi suất trong “cuộc chiến” chống lại lạm phát.
Nhận định trong bối cảnh khó khăn, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, song, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng thực tế vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục tập trung xử lý.
Ông cho biết hiện có nhóm doanh nghiệp không dám vay vốn vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, đây là nhóm đông nhất, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn….
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hệ thống ngân hàng xem xét, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp đối với nhóm doanh nghiệp không thể vay vốn. Phải có giải pháp để xử lý tận gốc của vấn đề, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, bên cạnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, còn có thực tế là "các ngân hàng cũng đang đỏ mắt tìm doanh nghiệp để cho vay. Ngân hàng nào cũng muốn tìm khách hàng tốt để giải ngân. Bởi nếu ôm vốn thì ngân hàng cũng khó mà "sống khỏe."
Thứ trưởng cho rằng nếu không có một loạt giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát lạm phát, bảo đảm tỷ giá, không điều hành lãi suất nhịp nhàng như thời gian qua,… chúng ta khó lòng giữ được kinh tế vĩ mô ổn định-nhiệm vụ quan trọng nhất như bây giờ.
"Tiếp cận tín dụng phải có sự chủ động từ cả hai phía. Tuy nhiên, trong bối cảnh ‘cầu’ giảm, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng nên chưa có nhu cầu vay vốn, do đó các giải pháp cần phải kiên nhẫn, không nóng vội được," Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông về tín dụng để xã hội hiểu, đồng thuận.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank) khẳng định sẽ tiếp tục chủ động kết nối với doanh nghiệp, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn. Các ngân hàng đồng thuận sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh….
Các ngân hàng đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống nghiêm túc thực hiện việc giảm lãi suất đầu vào; giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý các dự án bất động sản để triển khai giải ngân; hỗ trợ các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo,… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn rủi ro hệ thống, trục lợi chính sách… Cùng với đó, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ưu tiên cho các dự án trọng điểm; chấn chỉnh các nhà thầu yếu kém….
Nhấn mạnh ngân hàng và doanh nghiệp "phải đi chung con đường," song, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường….
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát các quy định, thủ tục, nếu thuộc về chủ quan thì tháo gỡ ngay để phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phân tích sâu sắc hơn nữa các yếu tố liên quan đến cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; đánh giá kỹ lưỡng khả năng hấp thụ vốn của các nhóm doanh nghiệp; rà soát cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
"Đánh giá nguyên nhân không kỹ càng, chính xác thì không thể có giải pháp hiệu quả," Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đánh giá cao việc các ngân hàng đã có những động thái tích cực, hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp hạ lãi suất cho vay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
"Phải thiết lập mặt bằng lãi suất huy động hợp lý thì lãi suất cho vay mới phù hợp. Doanh nghiệp phát triển ngân hàng mới phát triển," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp.... Rà soát, hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, đảm bảo nhiệm vụ ổn định giá trị đồng tiền, kinh tế vĩ mô, tỷ giá và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành "phải phản ứng chính sách nhanh hơn," thông tin kịp thời để dư luận hiểu, đồng thuận; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường chung để doanh nghiệp phát triển và quản lý hiệu quả.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động để có thể tiếp tục hạ lãi suất, chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ, sửa đổi lại một số điểm của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng "cởi mở hơn nhưng không phải hạ chuẩn"./.