Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đưa EVN trở thành tập đoàn năng lượng mạnh

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN cần đánh giá kỹ, sát thực tế, xây dựng Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025 khả thi hơn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đưa EVN trở thành tập đoàn năng lượng mạnh ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp về tình hình hoạt động, công tác cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 11/5, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cho ý kiến vào Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn EVN đầu tư vào doanh nghiệp khác; giữ vai trò trung tâm để phát triển Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao.

Đồng thời, EVN làm nòng cốt để ngành điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; tiếp tục tham gia hoàn thiện và phát triển thị trường điện theo lộ trình Chính phủ quy định.

Theo đề xuất của EVN, cơ cấu lại về tổ chức và sở hữu theo hướng Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN đối với các chi nhánh gồm 7 Công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc (Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Ialy, Trị An, Phát triển Thủy điện Sê San, Huội Quảng - Bản Chát); Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN; Ban Quản lý dự án Điện (1,2,3); Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công nghệ EVN (EVNCTI); Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT); Trung tâm Thông tin Điện lực (EVNEIC); Công ty Mua bán điện.

[Lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư, đàm phán giá với EVN vẫn gặp khó]

EVN đề xuất danh mục các doanh nghiệp do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, trên 50% vốn điều lệ, doanh nghiệp thực hiện thoái toàn bộ vốn và các sắp xếp khác.

Thực hiện Chiến lược phát triển EVN, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ; rà soát, sửa đổi ngành nghề kinh doanh. EVN đề ra các chỉ tiêu nâng cao năng lực quản trị và tập trung vào 3 nhóm giải pháp: Hoàn thiện về thể chế quản lý; hoàn thiện cách thức, công cụ quản trị; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế chính sách đãi ngộ đối với người lao động.

EVN xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân bằng tài chính giai đoạn 2021-2025 gồm hoàn thiện quản trị tài chính; tối ưu hóa chi phí, tăng doanh thu trong sản xuất và cung ứng điện; sửa đổi, bổ sung các loại định mức chi phí để tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất kinh doanh; giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật có tác động tới chi phí giá thành trong sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện.

Ngoài ra, tập đoàn này nêu các giải pháp rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu, thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng.

Tại cuộc họp, đại diện tập đoàn báo cáo bổ sung thêm về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021-2022, các giải pháp đảm bảo cân bằng kinh doanh năm 2023, những năm tiếp theo và bày tỏ mong muốn sớm được phê duyệt đề án tái cơ cấu.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng công phu, các nội dung Đề án đã cập nhật theo Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. EVN đã có văn bản giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, cơ quan trong hồ sơ trình. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đánh giá, lấy ý kiến các bộ, cơ quan để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án.

Nhận được tờ trình của Ủy ban, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan về Đề án và dự thảo quyết định. Bộ Tài chính qua các lần lấy ý kiến của Ủy ban và Văn phòng Chính phủ đều chưa có ý kiến, dù Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đôn đốc nhưng đến nay đã quá thời hạn 60 ngày.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đưa EVN trở thành tập đoàn năng lượng mạnh ảnh 2Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng điện là lĩnh vực liên quan tới nhiều doanh nghiệp, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than-Khoáng sản…, tác động rất lớn đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Báo cáo tình hình năm 2023 và xu hướng sắp tới của Tập đoàn rất đáng quan ngại, do đó, phải theo sát để có giải pháp phù hợp, kịp thời, thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo hoạt động bình thường của tập đoàn, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đáp ứng điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

Đánh giá cao nỗ lực xây dựng Đề án của EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, song, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, EVN là một trong những tập đoàn lớn, cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên phải đánh giá rất sát, đặt mục tiêu phù hợp để có thể thực hiện được.

Chỉ ra cơ sở xây dựng đề án “mới áng áng, chưa đánh giá hết,” Phó Thủ tướng phân tích, ví dụ công tác cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện, “vốn rất lớn, liên quan đến đất đai mà mấy năm làm không xong, không đạt mục tiêu.”

Dẫn chứng được Phó Thủ tướng nêu ra là thời gian qua thực hiện được mục tiêu cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 1, 2 (GENCO 1, 2) nhưng các thành phần tham gia vào góp vốn chưa đạt như mong muốn, dưới 1%, nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ đa số.

“Chúng ta nỗ lực làm mà đánh giá không sát, đặt mục tiêu nội dung quá lớn, ngoài khả năng thì không thực hiện được… Như cổ phần hóa GENCO, vốn lớn, thị trường có hấp thụ được vốn đó không?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, cổ phần hóa, thoái vốn, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 có thực hiện nhưng mức độ hoàn thành không cao. Do vậy, cần đánh giá kỹ, sát thực tế, trên cơ sở đó xây dựng Đề án giai đoạn 2021-2025 khả thi hơn.

Góp ý vào mục tiêu Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN căn cứ Quyết định 360/QĐ-TTg, các nghị quyết của Chính phủ để xây dựng mục tiêu, nội dung của đề án.

Mục tiêu là phải đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, đáp ứng nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân, hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Tập đoàn phải kinh doanh hiệu quả, bền vững, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

Nêu rõ đề án chưa đạt như mong đợi, chất lượng chưa cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại cuộc họp, cân nhắc các yếu tố tác động, bảo đảm đề án hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trên cơ sở mục tiêu và thực tế hoạt động, yêu cầu đặt ra, căn cứ quy định pháp luật hiện nay để thiết kế mô hình EVN cho phù hợp với mô hình của một doanh nghiệp lớn. Căn cứ ngành nghề hoạt động của các công ty để đề xuất tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng đồng tình với các giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu, thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng… và đề nghị phải làm rõ các nội dung này trong đề án, tính toán kỹ cơ cấu về quản trị doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục