Sáng 28/12, chủ trì cuộc họp tổng kết công tác quản lý, điều hành giá năm 2022 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, tình hình kinh tế thế giới và khu vực năm 2022 có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp; xuất hiện nhiều yếu tố mới, đã tác động đa chiều đến nền kinh tế nước ta.
Đặc biệt, cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến giá xăng dầu tăng cao, đứt gãy nguồn cung một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu cho sản xuất, ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả các mặt hàng chiến lược, thiết yếu,...
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá, sự vào cuộc nghiêm túc, đồng bộ của các bộ ngành, địa phương, đến thời điểm hiện tại cơ bản chúng ta đã kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế… đó thành công lớn, trong đó có đóng góp của công tác quản lý, điều hành giá.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo do Thứ trưởng Tài chính Cao Minh Tuấn trình bày cho thấy, năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát.
Với việc kiểm soát được tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp, hiện cơ bản kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đảm bảo đời sống người dân và điều kiện sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp. Qua đó, làm đòn bẩy thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu quản lý, điều hành giá trong thời gian qua là cơ chế phối hợp đã được thực hiện tốt, làm cơ sở cho công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn được xác định là các nội dung ưu tiên trọng tâm để trình xử lý kịp thời các chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá.
[Quản lý, bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán]
Công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá và trên cơ sở tham mưu của Nhóm giúp việc liên ngành trong thời gian qua là yếu tố rất quan trọng trong thành công của công tác quản lý, điều hành giá nói riêng và tổng thể công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung.
Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô như: Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất; công tác điều hành giá được thực hiện thận trọng, cơ bản giữ ổn định giá các mặt hàng nhà nước định giá; điều hành giá xăng dầu sát với diễn biến giá thế giới nhưng với mức tăng thấp hơn; ban hành kịp thời các chính sách về thuế giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, từ đó giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,38%. CPI bình quân năm 2022 ước tăng 3,1-3,2% so với năm 2021, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội đề ra.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2022 cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc hoàn thiện, xây dựng thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực giá tuy đã có nhiều thành công nổi bật nhưng vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa pháp luật chuyên ngành và Luật Giá; thiếu công cụ quản lý, điều hành trong một số trường hợp phát sinh (giá sách giáo khoa...) ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả, kịp thời của công tác quản lý giá.
Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường tuy đã có sự tính toán chi tiết các yếu tố tác động từ điều hành vĩ mô, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, nhưng còn chưa đặt ra vấn đề tính toán đến những yếu tố tác động rất bất thường đến kinh tế-xã hội... khiến cho việc chuẩn bị các biện pháp quản lý, điều hành tại một số thời điểm còn chưa thật sự chủ động khi có diễn biến bất thường xảy ra.
Báo cáo cũng cho thấy, việc triển khai lộ trình thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ do phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát nên còn chưa theo sát lộ trình do Chính phủ đề ra và đến nay phải tính đến việc điều chỉnh lộ trình./.