Sáng 19/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp kiểm tra thực địa ảnh hưởng của bão số 2 tại một số điểm xung yếu trên địa bàn thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gồm khu tránh trú bão cho tàu thuyền tại phường Hồng Hải và khu vực bãi thải Nam Hà Tu của mỏ than Hà Tu (một trong những điểm xung yếu của ngành than, gần khu dân cư, có nguy cơ sạt lở).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục bám sát diễn biến của cơn bão, kịp thời chỉ đạo các địa phương, các lực lượng trên địa bàn thực hiện đúng các phương án phòng, chống lụt bão đã đề ra; khẩn trương triển khai các phương án đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá khu vực bãi thải, ngập úng đường lò, khai trường khai thác, đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Các đơn vị phải túc trực 24/24 giờ, chủ động phối hợp với các địa phương để thường xuyên thông tin diễn biến tình hình cơn bão và có phương án ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Công tác ứng phó với cơn bão số 2 đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện khá tốt. Toàn tỉnh đã kêu gọi và xác định được toàn bộ số tàu thuyền đánh cá, tàu thuyền du lịch, tàu vận tải trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long về neo đậu tại các điểm tránh trú bão an toàn.
Bão số 2 đã đổ bộ vào thành phố Móng Cái với gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Để chủ động phòng chống bão, thành phố Móng Cái đã di dời khẩn cấp 2.091 hộ dân với hơn 7.000 người về nơi tránh trú bão tại các nhà kiên cố, đồn biên phòng, nhà văn hóa, trường học trên địa bàn. Các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc di dời toàn bộ 7.064 hộ dân với hơn 27 ngàn người ra khỏi vùng nguy hiểm ngay trước khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền.
Tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở đều đã được kiểm tra và có phương án phòng, chống khi có mưa bão lớn xảy ra. Chính quyền địa phương phối hợp các đơn vị, lực lượng đảm bảo an toàn cho người dân, toàn bộ hệ thống giao thông và thông tin liên lạc hiện vẫn thông suốt, chưa ghi nhận có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.
Hiện tại ở các địa phương như Cô Tô, Vân Đồn có gió cấp 4-5, mưa nhỏ (riêng Móng Cái gió cấp 8-9, Cô Tô gió cấp 9-10, có mưa nhỏ); các địa phương khác trong tỉnh có mưa nhỏ và gió nhẹ.
Tại Hải Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão tại huyện Thủy Nguyên, chỉ đạo thành phố tiếp tục rà soát các khu vực dân cư xung yếu và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Tại Quảng Ninh, lúc 22 giờ, Phó Thủ tướng đã cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh họp trực tuyến với đoàn công tác do Bộ trưởng - Trưởng ban Cao Đức Phát ở đầu cầu Móng Cái và Ủy ban Nhân dân các huyện trong tỉnh.
Trong khi đó, sáng 19/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương nhận định diễn biến tiếp theo của bão số 2 và công tác ứng phó sau khi bão đổ bộ vào đất liền.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Trung ương cho biết bão số 2 đã đổ bộ lên đất liền địa phận tỉnh Quảng Ninh. Tâm bão đi vào thành phố Móng Cái, cường độ cấp 12-13. Gió tại khu vực này tiếp tục mạnh lên cấp 10 đến cấp 12.
Theo mô hình dự báo, bão số 2 sau khi đổ bộ tiếp tục đi sâu vào đất liền với cường độ mạnh. Các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, nhất là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái cần đặc biệt đề phòng lũ ống lũ quét, bởi bão vẫn ở cấp 7 và cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đã sơ tán 7.469 hộ với 28.257 người để tránh bão số 2. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng huy động gần 18 nghìn cán bộ chiến sỹ với khoảng 700 phương tiện phối hợp với các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình kêu gọi số người đang ở trên các phương tiện neo đậu tại bến, lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản lên bờ trú tránh bão; di dời dân những khu vực nguy hiểm ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tại cuộc họp, các thành viên cho rằng, công tác quan trọng nhất trong ngày hôm nay 19/7 là thông báo kịp thời về diễn biến mới nhất của bão cho các tỉnh miền núi phía Bắc để chính quyền và người dân các địa phương không chủ quan đồng thời chủ động ứng phó với các tình huống.
Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng tiếp tục rà soát, có kế hoạch sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất./.