Với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã," Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã diễn ra sáng 14/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.
Hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ ổn định
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhấn mạnh Đại hội Đảng lần thứ 6 đã nêu phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần; trong đó kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, Trung ương xác định trong kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn giữ vai trò nòng cốt.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu lớn nhất hiện nay là tìm giải pháp đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, cùng với đó là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và tiến tới ngày càng có tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế nhưng đến nay mới chỉ đạt được một phần của mục tiêu chung.
Cho đến nay có thể mạnh dạn nói rằng khu vực kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bằng chứng là có tới 57% số hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ này ở phi nông nghiệp là 50-80%, tùy theo từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, mục tiêu tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP chưa đạt hiệu quả. Bởi nếu như năm 2003, tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể trong GDP là 7,49% thì hiện nay chỉ còn 4%.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đó là tỷ trọng ở các khu vực khác như công nghiệp chế biến chế tạo, các ứng dụng dịch vụ tăng.
Báo cáo tham luận của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về Cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nêu rõ hiệu quả tăng trưởng GDP trong khu vực hợp tác xã chỉ bằng 50% các khu vực khác của nền kinh tế. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho tổng GDP của nền kinh tế tập thể ngày càng đi xuống.
Theo Phó Thủ tướng, sự quan tâm của các bộ ngành đến lĩnh vực này hiện vẫn chưa nhiều và đồng đều. Hơn nữa, cứ nói đến hợp tác là chỉ nghĩ đến nông nghiệp mà không quan tâm đến phi nông nghiệp, nói đến hợp tác chỉ nghĩ đến hợp tác xã và Liên minh Hợp tác xã mà không quan tâm hàng trăm nghìn tổ hợp tác hiện nay.
Phó Thủ tướng khẳng định, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã mở ra hướng rất rõ, cho phép thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã. Dù vậy, nhận thức thế nào đâu là hợp tác xã hay doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ; hay vẫn còn nhầm lẫn về mô hình kiểu cũ với kiểu mới.
Không những thế, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã ở tình trạng giải thể, phá sản nhưng không thể giải thể được bởi những khoản nợ; trong khi về nguyên tắc còn nợ thì không còn chỗ cho các hợp tác xã khác do đó cần có cơ chế chính sách thích đáng xử lý tồn đọng để chuyển giao.
Đáng lưu ý, dù có nhiều chính sách nhưng chưa đi liền với thực tế cuộc sống và cần những chính sách tiệm cận theo nguyên tắc thị trường, tránh Nhà nước buông lỏng cũng như tránh xu hướng chờ đợi Nhà nước mà không có chủ động, tự lực vươn lên.
Ngoài ra, thực tế hiện nay mới có 40% cán bộ được đào tạo sơ cấp và tới 60% cán bộ chưa được đào tạo. Do vậy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải chú trọng bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực tài chính để cân đối trong kinh doanh.
Mặt khác, các hợp tác xã phải được hưởng những chính sách chuyển giao công nghệ, thương mại và mở rộng thị trường, kéo các doanh nghiệp về khu vực nông thôn. Bởi, chỉ khi các hợp tác xã bắt tay với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị, sản phẩm sản xuất ra có đầu ra tiêu thụ ổn định.
Phó Thủ tướng hy vọng với nhận thức của chính quyền, người dân về tầm quan trọng của hợp tác xã được nâng lên, mô hình này trở thành mắt xích quan trọng trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
[Kinh tế tập thể phi nông nghiệp phát triển cả về lượng và chất]
Tạo động lực mới
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là diễn đàn lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam có sự tham gia của các bộ ngành, hiệp hội Trung ương và tổ chức quốc tế, cộng đồng hợp tác...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn đã chứng minh kinh tế hợp tác xã luôn có đóng góp quan trọng nhất là từ khi Luật Hợp tác xã 2012 ra đời đã thể hiện tư duy mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới, hạt nhân là hợp tác xã. Điều này góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp cơ chế thị trường trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Thời gian qua, tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động ổn định và từng bước phát triển, tăng dần trong từng năm.
Đáng lưu ý, đóng góp của khu vực này thể hiện qua hai kênh gồm trực tiếp của khu vực hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và gián tiếp thông qua các hợp tác xã thành viên, kinh tế thành viên. Đây là xu hướng phát triển nổi bật của hợp tác xã trong thời gian qua.
Hơn nữa, hợp tác xã còn đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ và cá thể thành viên thông qua việc giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng, thu nhập ổn định cho các thành viên, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được khu vực này còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, hạn chế như tốc độ phát triển còn chậm, một số hợp tác xã chưa tuân thủ nghiêm pháp luật; hiệu quả thấp, vai trò của hợp tác xã chưa được phát huy. Vì thế, để đưa kinh tế hợp tác xã thoát khỏi yếu kém, tiến tới có tỷ trọng lớn trong GDP của nền kinh tế, cần có ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này.
Bà Lưu Thị Chỉ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình, cho hay sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã đạt được nhiều thành tựu, song cần có nhiều chính sách quan tâm hơn.
Trước hết là chính sách đất đai, dù đã có những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm qua Luật Đất đai, các nghị định và thông tư, các hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân được Nhà nước cho thuê đất. Nếu chính sách thực hiện tốt sẽ tạo đòn bẩy và động lực tốt cho hợp tác xã phát triển, có cơ sở vật chất tốt.
Bà Lưu Thị Chỉ kiến nghị cần có nghị quyết về kinh tế tập thể cũng như chính sách đồng bộ, kịp thời tháo gỡ nút thắt cho kinh tế tập thể, đặc biệt là hàng hóa của hợp tác xã đã đi ra nước ngoài phải nâng cao năng lực, chất lượng.
Hơn nữa, khu vực kinh tế tập thể cần có sự vào cuộc đồng bộ các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… để tạo sức bật cho kinh tế hợp tác, hợp tác xã đi lên bằng chính nội lực và không bị thụt lùi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liệp hiệp Hợp tác xã Saigon Co.op, Saigon Co.op hoạt động phi nông nghiệp, suốt 30 năm luôn hỗ trợ đưa sản phẩm đến tay người dân và mở rộng ra nước ngoài. Đến nay, mạng lưới đã phủ 43 tỉnh thành, gần 800 điểm bán hàng có nhiều mô hình bán lẻ hiện đại, siêu thị, thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, mô hình siêu thị bán lẻ hiện đại của Saigon Co.op đã đầu tư bảy tổng kho hiện đại trên 86.000m2; luôn tiên phong và định hướng tiêu dùng và sản xuất. Từ năm 2012, doanh nghiệp đã triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng bộ tiêu chuẩn hàng hóa cho toàn bộ chuỗi trên cả nước, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong điều kiện mới, gắn kết chuỗi cung ứng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, mỗi ngày Saigon Co.op tiêu thụ trên 400 tấn hàng nông sản, chủ yếu nông sản trong nước, doanh thu 18-20 tỷ đồng/ngày.
Tuy nhiên, đến nay nhiều hợp tác xã chưa đáp ứng thủ tục pháp lý để đáp ứng giao dịch mua bán, công nghệ chế biến chưa được quan tâm đầu tư làm giảm chất lượng, giá trị sản phẩm đầu ra, chi phí giá thành sản phẩm cao, ảnh hưởng việc cung ứng kịp thời.
Do vậy, để đảm bảo nguồn cung bền vững, ông Trần Lâm Hồng cho rằng Nhà nước cần tăng cường chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng sản phẩm nông sản; quy hoạch tổng thể nguồn sản xuất; xúc tiến nông sản ở các thị trường lớn.
Ngoài ra, phải xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt đối với các sản phẩm mang tính đặc sản; xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản; liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu, kết nối các địa phương để phát triển mạng lưới bán lẻ tạo đầu ra cho sản phẩm và hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài./.