Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Cao Bằng

Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành... hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm để khắc phục thiên tai; trước mắt, tỉnh đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 50 tấn gạo, 75 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. (Ảnh: Nông Văn Đạt/TTXVN)
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. (Ảnh: Nông Văn Đạt/TTXVN)

Chiều 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác gồm nhiều bộ, ngành Trung ương đến kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh Cao Bằng.

Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng báo cáo: Thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTG ngày 3/9/2024 và Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống bão lụt, thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập nước, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ về sạt lở đất…

Do ảnh hưởng cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa to đến rất to, kéo dài gây thiệt hại nặng, 24 người chết, 12 người bị thương, 31 người mất tích, đang tiếp tục tìm kiếm. Có 1.065 nhà ở bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó có 22 nhà hư hỏng hoàn toàn, 1.043 nhà hư hỏng.

Về giao thông, xuất hiện gần 200 điểm sạt lở, ngập úng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; 10 công trình trường học, 3 cơ sở y tế, nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, viễn thông, điện lưới, trụ sở cơ quan đơn vị bị hư hại, trên 1.500 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Thiệt hại nặng nhất là các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, thành phố Cao Bằng.

Ứng phó với thiệt hại của thiên tai, tỉnh Cao Bằng đã huy động hơn 4.700 lượt cán bộ chiến sỹ và các lực lượng tại chỗ cùng 3.200 phương tiện, trang bị vật tư các loại phục vụ công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn.

Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương hỗ trợ gần 1.000 hộ gia đình thuộc diện ảnh hưởng thiên tai về lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, sơ tán người, tài sản tới khu vực an toàn.

ttxvn cao bang khac phuc hau qua bao so 3.jpg
Người dân vùng ngập lụt nhận các suất cơm miễn phí từ các nhà hảo tâm (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí, nhu yếu phẩm để khắc phục thiên tai. Trước mắt, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 50 tấn gạo, 75 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại, ổn định đời sống.

Về lâu dài, tỉnh mong muốn Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp phòng chống sạt lở, xây dựng hệ thống cảnh báo nguy hiểm giao thông cho Cao Bằng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ với nhân dân tỉnh Cao Bằng về những mất mát, thiệt hại vừa qua. Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt của tỉnh Cao Bằng trong việc phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn; đồng thời lưu ý Cao Bằng cần nghiên cứu các giải pháp phòng chống, hạn chế sạt lở như trồng các loại cây giữ đất như sung, tre, luồng…

Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung cứu chữa, hỗ trợ người bị thương, không để có thêm thiệt hại về người, tập trung tìm kiếm người mất tích, mai táng người chết, thăm hỏi động viên người bị thiệt hại. Chính quyền cần hỗ trợ, không để người dân bị đói khát, thiếu nhà ở, không được đến trường, không được khám chữa bệnh...

Tỉnh cần xử lý nhanh chóng các điểm sạt lở, không để tắc đường, không để mất điện xảy ra. Trước tình hình thiên tai bão lụt, cần làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân.

Đối với 22 ngôi nhà bị sập đổ và các nhà bị hư hại do mưa bão, tỉnh cần hỗ trợ kinh phí, xây dựng, sửa chữa cho dân.

Về giao thông, tỉnh cần khảo sát lại các tuyến đường, cầu, mố cầu, nhất là cầu treo, đường điện để có biện pháp sửa chữa khắc phục ngay.

Cần đặc biệt chú ý đến các điểm có nguy cơ sạt lở, quản lý tốt các tuyến quốc lộ, đảm bảo thông suốt. Về lâu dài cần lắp đặt hệ thống cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Bên cạnh đó, cần xử lý tốt môi trường, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ tỉnh, hỗ trợ nhân dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định tình hình; đồng thời nhất trí với đề nghị của tỉnh về kinh phí hỗ trợ, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu xem xét./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục