Phó Thủ tướng: Hành động ngay vì Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chính phủ sẽ khởi động ngay các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng lúa ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam sẽ quy hoạch bố trí lại dân cư, tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng như nền sản xuất nông nghiệp, thay đổi công nghệ, tổ chức sản xuất theo kiểu mới để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững trên cơ sở khắc phục khó khăn về tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Phát biểu khép lại phiên họp toàn thể đầu tiên của Diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long - 2016, tổ chức ngày 27/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đánh giá cao và cảm ơn Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế đã tổ chức diễn đàn này.

Chính phủ mong muốn diễn đàn tập trung bàn thảo về các thách thức, cơ hội, giải pháp đầu tư, thích ứng với tự nhiên nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hành động, công nghệ và tài chính. Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác phát triển, nhất là Ngân hàng Thế giới sớm có kiến nghị để Chính phủ khởi động ngay các giải pháp thích ứng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các giải pháp đặt ra cần bám sát thực tiễn, sáng tạo của người dân và cộng đồng để đáp ứng hiệu quả nhu cầu của đời sống. Việt Nam sẽ phát huy nội lực, xây dựng chiến lược và thực hiện các giải pháp quyết liệt để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị các quốc gia, đối tác phát triển chia sẻ, giúp đỡ về công nghệ, kinh nghiệm và tài chính để Việt Nam vượt qua thách thức này, vì sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức phát triển quốc tế có tiếng nói và xử lý hài hòa việc quản lý và sử dụng nguồn nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, đồng thời đưa ra các giải pháp kiểm soát tổng thể nguồn nước cho từng địa phương và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác.

Tại phiên họp, các đại biểu trong nước, quốc tế đã nêu lên lo ngại về những biến đổi nhanh chóng của tự nhiên ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tạo thành rào cản lớn cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân trong khi nền tảng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật yếu kém.

Trong bối cảnh đó, các địa phương trong vùng đã triển khai kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng để phòng ngừa và thích ứng với biến đổi khí hậu, khô hạn và xâm nhập mặn.

Các tổ chức phát triển quốc tế cũng cho rằng các địa phương trong vùng và các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong cần hợp tác, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu quốc tế hiểu rõ những thách thức mà Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt; cho rằng cần xây dựng các giải pháp hành động ngay, đồng thời khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong thích ứng với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục