Hiện tình hình khí tượng thủy văn vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra một cách cực đoan. Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đặc biệt tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng chống thiên tai, nhất là các hiện tượng thiên tai bất thường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo và nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ những tháng tiếp theo năm 2016.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đạt được kết quả tích cực trong công tác ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong năm qua.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần rà soát các hình thái thiên tai để tiến hành xây dựng các phương án phòng, chống phù hợp; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, trong đó chú trọng đến trách nhiệm của các thành viên tham gia; tiếp tục triển khai hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện công tác dự báo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư cho các chương trình phòng chống thiên tai còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn yếu và thiếu, do vậy cần ưu tiên rà soát các nguồn vốn để tăng cường cho những dự án thiết yếu phòng chống thiên tai.
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước, rà soát cung cầu nước tại từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm ứng phó với những tình huống ngày càng cực đoan của thời tiết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhất trí với các nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới như đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai và thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 3/2/2016 số 04/CT-TTg, ngày 4/2/2016, số 09/CT-TTg ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020; thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch liên quan tới công tác phòng chống thiên tai; tăng cường năng lực phòng chống thiên tai; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao năng lực trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên bố trí nguồn dự phòng ngân sách, nguồn vốn ODA để hỗ trợ các địa phương, các Bộ, ngành kịp thời khắc phục hậu quả; ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể ứng phó với lũ lụt, hạn hán như việc rà soát dân cư sống ven sông suối, khu vực dễ bị sạt lở có nguy cơ mất an toàn; rà soát, kiểm tra, đánh giá, xác định các vị trí, tuyến đường giao thông trọng điểm xung yếu về sạt lở, đặc biệt là đối với các tuyến đường đang thi công để có phương án ứng phó và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng khắc phục khi có sự cố; bố trí biển báo, người canh g0ác để tránh thiệt hại về người và tài sản
Các bộ, ngành, địa phương vận hành hợp lý hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo an toàn công trình vùng hạ du và cấp nước trong mùa kiệt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý cho vùng thường xuyên bị thiên tai. Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá thực trạng hệ thống đê điều, hồ đập, khu vực sạt lở nguy hiểm nhất; xác định vị trí trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ mất an toàn; xây dựng phương án, bố trí nguồn kinh phí để xử lý kịp thời đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và các năm tiếp theo.
Các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển phải được đăng kiểm, trang bị phao cứu sinh, đầy đủ các thiết bị thông tin, liên lạc với đất liền trước khi ra khơi; dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động thông tin đến người dân để họ có biện pháp ứng phó; kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến vấn đề nông nghiệp trong vấn đề xả thải những chất độc hại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Các Bộ, ban, ngành Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông tăng cường các thông tin liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để người dân biết và chủ động phòng chống.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các địa phương cũng đã đề cập những kết quả đạt được trong công tác phòng chống thiên tai, các giải pháp ứng phó với thiên tai trong thời gian tới; đồng thời nêu lên những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn./.