Phó Thủ tướng: EVN phải tập trung bứt phá về phát triển nguồn điện

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện nay Việt Nam đang rất khó khăn trong thực hiện các dự án do vậy ngành điện cần tập trung bứt phá về phát triển nguồn điện..
Phó Thủ tướng: EVN phải tập trung bứt phá về phát triển nguồn điện ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2019 dự kiến điện sản xuất và mua khoảng 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018, tuy vậy EVN sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

Đây là thông tin được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 do EVN tổ chức ngày 3/1, tại Hà Nội.

[Thách thức lớn trong việc đảm bảo điện giai đoạn 2022-2023]

Độ tin cậy cung cấp điện tốt hơn 2017

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, năm 2018, sản lượng điện sản xuất và mua đạt 212,9 tỷ kWh vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với năm 2017. Đáng lưu ý, điện sản xuất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt kỷ lục 12,3 tỷ kWh, vượt 51,2% sản lượng theo thiết kế.

Điện thương phẩm đạt 192,93 tỷ kWh, tăng 10,47% so với năm 2017. Sản lượng điện truyền tải đạt 184,2 tỷ kWh, tăng 10,88% so với 2017, trong đó đã đảm bảo truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam 20,8 tỷ kWh (tương đương 20% nhu cầu điện miền Nam).

Cũng theo EVN, vào tháng Bảy vừa qua, tập đoàn đã đưa điện lưới đến 2 xã cuối cùng chưa có điện trên cả nước. Tính đến cuối năm 2018, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,37%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,05%.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân (SAIDI) là 732 phút, giảm 30% so với năm 2017.

Trong khi đó, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp hài lòng về chất lượng dịch vụ cung cấp điện là 74% tăng 5% so năm trước và duy trì vị trí thứ hai về chất lượng các dịch vụ tiện ích gia tăng trong bộ chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI).

"Mức độ hài lòng khách hàng sử dụng toàn EVN đạt 8,11 điểm, tăng 0,14 điểm so với năm 2017, cao nhất là EVNHCMC đạt 8,33 điểm, tăng 0,07 điểm," lãnh đạo EVN cho hay.

Bên cạnh đó, tổn thất điện năng năm 2018 toàn Tập đoàn ước đạt 6,9% vượt trước một năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng: EVN phải tập trung bứt phá về phát triển nguồn điện ảnh 2Hội nghị tổng kết EVN ngày 3/1, tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi

Theo EVN, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Do vậy, vấn đề đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, ngoài nỗ lực của EVN, còn phụ thuộc rất nhiều các nhà máy điện ngoài EVN.

Lo ngại nhất là đến cuối năm 2018, nhiều hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung không tích đủ nước dẫn tới với sản lượng thủy điện thiếu hụt khoảng 2,56 tỷ kWh. EVN cũng dự kiến, năm 2019 sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,4-7 tỷ kWh...

Đứng trước nhiều khó khăn song EVN khẳng định sẽ vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tài Anh, năm 2019, EVN đưa vào vận hành 5 tổ máy với công suất 1.560 MW, gồm nhiệt điện Duyên Hải III mở rộng; nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng; thủy điện Đa Nhim mở rộng (giai đoạn 2) và thủy điện Thượng Kon Tum và khởi công 3 dự án là nhiệt điện Quảng Trạch I; Điện mặt trời Phước Thái 1 và Điện mặt trời Sê San 4... là nguồn quan trọng đảm bảo cấp điện nhất là các tỉnh miền Nam.

Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN yêu cầu các công ty điện lực xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng và phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp để điều hòa phụ tải hợp lý cũng như sẵn sàng ứng phó trong trường hợp sự cố. Hạn chế tối đa cắt điện khi sửa chữa, bảo dưỡng, thi công công trình điện.

- Một số chỉ tiêu chính của EVN năm 2019:

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của EVN trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và người dân.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều thách thức của ngành điện, trong đó, thách thức lớn nhất là nguy cơ thiếu điện trong bối cảnh phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo Phó Thủ tướng, hiện tại công suất điện của hệ thống khoảng 48.000MW, đến năm 2025 nhu cầu cần khoảng 90.000MW và năm 2030 là 130.000MW, thậm chí nhu cầu có thể tăng cao hơn, trong khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết.

Trong khi đó, nhiệt điện than cũng không ít thách thức về vấn đề môi trường, nhiệt điện khí khó khăn về nguồn cung... Nhưng vấn đề quan trọng là việc triển khai thực hiện các dự án nguồn và lưới điện đang hết sức khó khăn, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cũng như ảnh hưởng tới trần nợ công của Việt Nam.

Do vậy, để thực hiện đảm bảo điện cho đất nước trong năm 2019 với nhu cầu điện tăng trưởng gần 10%, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN tham mưu cho các Bộ liên quan, trong đó xác định rõ nhu cầu điện, cơ cấu nguồn điện từng thời kỳ và ưu tiên trong từng giai đoạn phát triển, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện, thứ tự ưu tiên về nguồn lực cũng như xác định các dự án ưu tiên để đầu tư...

"Ngành điện lực phải tập trung rất nhiều bứt phá nhưng bứt phá rất quan trọng là làm thế nào để chúng ta đầu tư phát triển nhiều hơn về nguồn điện đồng bộ với hệ thống truyền tải để đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, do vậy năm 2019 phải bứt phá về phát triển nguồn điện," Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm./.

Đưa điện năng lượng Mặt Trời về vùng đồng bào Ba Na sống biệt lập trong rừng. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục