Ngày 27/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 của ngành thanh tra.
Thanh tra phải chỉ ra đúng bản chất sự việc
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, toàn ngành thanh tra đã triển khai trên 3.800 cuộc thanh tra hành chính và trên 92.900 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra, lực lượng chức năng phát hiện vi phạm gần 9.900 tỷ đồng, hơn 32.600 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 7.900 tỷ đồng và gần 360 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với gần 600 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành trên 51.300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 5.900 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 42 vụ, 46 đối tượng...; từ đó chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật.
Kết quả công tác thanh tra đã góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
Ngành thanh tra đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức tiếp gần 200 ngàn lượt công dân; xử lý gần 87 ngàn đơn thư; giải quyết trên 12.332 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các bức xúc của nhân dân và tạo sự ổn định an ninh chính trị-xã hội. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp đã được thanh tra tập trung giải quyết.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng có tiến bộ, một số vụ án vụ việc trọng điểm được quan tâm xử lý, tạo được niềm tin cho nhân dân.
Công tác thanh tra có nhiều chuyển biến tích cực, ghi nhận nhiều nỗ lực, phấn đấu với những quyết tâm cao từ người đứng đầu ngành thanh tra, các cán bộ công chức trong ngành và của các bộ, ngành, địa phương.
Từ đó, ngành thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chia sẻ với những khó khăn vất vả và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra ngành thanh tra vẫn còn có những tồn tại, hạn chế cần phải lưu ý. Việc kết luận thanh tra còn chậm; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít; xử lý sau thanh tra còn hạn chế (tỷ lệ thu hồi đất đai còn thấp).
"Có những cuộc thanh tra còn né tránh những vấn đề cốt lõi phải làm rõ, trong đó chưa làm rõ được có hay không việc trục lợi chính sách, việc cấu kết để tiêu cực, tham nhũng; làm rõ việc các doanh nghiệp lợi dụng góp vốn, liên doanh, liên kết để hợp thức hóa, chuyển nhượng đất đai, tài sản của nhà nước... Một số kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm, khuyết điểm nhưng không kiến nghị biện pháp, phương hướng xử lý. Một số cán bộ thanh tra chưa hiểu đầy đủ, hoặc cố tình không hiểu, hiểu sai lệch quy định pháp luật về thanh tra; còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trong quá trình thanh tra, thậm chí có cả hành vi tiêu cực của cán bộ thanh tra...," Phó Thủ tướng chỉ rõ.
[Tăng cường hợp tác ngành thanh tra hai nước Việt Nam-Lào]
Theo Phó Thủ tướng, những thực tế đó đòi hỏi cán bộ thanh tra phải trung thực, khách quan, tận tụy, không để bị mua chuộc, cám dỗ; phải dũng cảm, dám đương đầu với các thế lực tiêu cực, tham nhũng. Ngành thanh tra phải tập trung thanh tra và ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn và đúng bản chất của vụ việc.
Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều tồn tại nhưng chậm được khắc phục. Hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, tỷ lệ thấp. Có vụ việc giải quyết còn thiếu chính xác, khách quan, công dân không đồng tình, gây bức xúc kéo dài. Tình hình khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó lường, khiếu nại đông người lên Trung ương tăng cao.
"Mặc dù thời gian qua đã quyết tâm giải quyết những vụ việc gây bức xúc dư luận kéo dài, nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ còn chưa nghiêm, chưa quyết liệt," Phó Thủ tướng nói.
Công tác phòng chống tham nhũng của nhiều cấp, ngành đã có sự chuyển biến, nhưng tình trạng chung vẫn thiếu tinh thần quyết liệt. Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; số vụ việc tham nhũng phát hiện đạt thấp. Việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế có nhiều cố gắng, nhưng nhiều nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa cao, nhất là xây dựng các thông tư hướng dẫn công tác thanh tra.
Về công tác xây dựng ngành, theo Phó Thủ tướng, lực lượng ngành thanh tra đã được kiện toàn một bước, trình độ của cán bộ công chức ngành thanh tra được nâng lên, đã đảm bảo khá tốt nhiệm vụ trong thời gian gần đây. Nhưng nhìn bình diện chung thì còn một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, nhất là các cuộc thanh tra chuyên ngành, phức tạp.
Một số cán bộ thanh tra tuy có trình độ chuyên môn nhưng đạo đức không chuẩn mực, tác phong công tác chưa nghiêm, chưa khách quan, vô tư trong thực hiện công vụ; có quan hệ không minh bạch với đối tượng thanh tra; có biểu hiện né tránh, thậm chí tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ...
"Toàn ngành thanh tra đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém đó để nâng cao chất lượng công tác, đóng góp vào nhiệm vụ chung về phòng chống tham nhũng, vi phạm, tiêu cực," Phó Thủ tướng đánh giá.
Đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thanh tra tập trung công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổng kết, đánh giá việc triển khai Luật Đất đai, nhằm sửa đổi những quy định còn hạn chế, bất cập trong thời gian tới.
Ngành thanh tra tiếp tục tăng cường phối hợp trong ngành, với các bộ, ngành, địa phương trong công tác, coi đây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng thanh tra, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, nhất là với những cuộc thanh tra có quy mô lớn, phức tạp. Tăng cường giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, nâng cao chất lượng giám định dự thảo kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra để thu hồi tài sản, tiền về cho nhà nước. Chủ động theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo các vấn đề phát sinh để đảm bảo kết luận thanh tra phải được thực hiện nghiêm túc cả về xử lý tài sản, vi phạm đối với tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, ngành thanh tra, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, rà soát các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm tình hình, báo cáo với Chính phủ để có các chỉ đạo xử lý kịp thời. Ngành tiếp tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; chỉ rõ địa phương làm tốt, địa phương chưa làm tốt công tác này.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều vụ khiếu kiện kéo dài do người dân không hiểu biết pháp luật, do đó công tác tiếp và giải thích pháp luật cho người dân cần được thực hiện tốt.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo cần phối với các ngành liên quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, các chuyên gia pháp luật, luật sư... để giải thích cho người dân hiểu đúng các chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân.
"Vấn đề gì đúng thì phải giải quyết cho dân, vấn đề gì dân chưa hiểu thì phải giải thích cho dân; đồng thời vận dụng pháp luật có tình, có lý, đảm bảo quyền lợi của người dân," Phó Thủ tướng lưu ý.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, ngành thanh tra cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, tránh hình thức; đồng thời tập trung phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, nhất là trong các dự án quản lý đất đai, dự án đầu tư kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc xã hội.
Thanh tra Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thanh tra và kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; tăng cường đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; đổi mới công tác đánh giá về phòng, chống tham nhũng nhất là đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ rõ nơi làm tốt, nơi chưa làm tốt.
Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi./.