Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc như thời gian vừa qua.
Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành địa phương có giải pháp căn cơ, toàn diện để tăng tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, diễn ra sáng 9/1, tại Hà Nội.
Nhận diện những điểm nghẽn
Nhìn lại năm 2021, đại diện Bộ Công Thương cho biết mặc dù đại dịch diễn biến phức tạp, song năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm khoảng 86,24% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2020.
[Bứt phá thành công, xuất khẩu về đích ngoạn mục trong năm 2021]
Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật như trên, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, rõ rệt nhất đó là mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI tăng lên so với những năm gần đây.
Thống kê cho thấy xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI, kể cả dầu thô, ước đạt 247,5 tỷ USD tăng 21%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 88,7 tỷ USD, tăng 13,4%, thấp hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (19%) và chỉ chiếm 26,4% kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2020 chiếm 27,7%).
Hơn nữa, lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Vì vậy, phát triển xuất khẩu chưa thực sự bền vững, khi hàng hóa trên thị trường biến động sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu chung.
Đặc biệt, tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
“Một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới. Năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa cao…” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Góp ý thêm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị liên bộ Công Thương-Nông nghiệp cùng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, chuyển dần sang sản xuất vật tư nông nghiệp sinh học, thân thiện môi trường. Cùng đó là tập trung xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng.
Dẫn bài học làm thị trường tại EU được các Đại sứ châu Âu chia sẻ kinh nghiệm gần đây, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc xuất khẩu vào thị trường này cần chuyên nghiệp hóa, có đề án chuyên sâu từ xúc tiến thị trường, văn hoá thị trường, bởi thị trường 27 nước châu Âu không có sự đồng nhất về văn hóa tiêu dùng…
“Năm 2021 xuất khẩu nông nghiệp đạt gần 49 tỷ USD, nhưng chưa bền vững, vì vậy cần có sự tham gia của các cơ quan liên quan để thành lập các liên minh xuất khẩu cho từng thị trường,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ý kiến.
Với các thị trường khác, ông cũng đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu chế biến đa dạng hoá sản phẩm; xúc tiến triển khai kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài trong 5 năm tới.
Về phía Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong việc thực thi phối hợp, triển khai các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Vì vậy, để hóa giải những hạn chế, thách thức, giảm thiểu tác động do đại dịch COVID-19, qua đó tạo động lực lớn hơn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngành Công Thương cần bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu cần thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc tập trung đánh giá toàn diện các tác động để tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
“Tiếp tục tập trung phát triển thương mại nội địa, mở rộng hệ thống phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối... nhằm thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử gắn với thương mại truyền thống để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng chuyển đổi số,” Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông lâm thủy sản.
“Ngành điện lực và các đơn vị liên quan thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh; dứt khoát không để thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân,” Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định thương mại điện tử đang là xu hướng hiện nay và trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu, đây cũng là lĩnh vực đang được ngành và các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh.
Để tạo đà cho xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu đồng thời cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa...
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics,” ông Khánh nêu giải pháp.
Xác định chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đột phá trong đại dịch COVID-18 vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả nội dung này, qua đó giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể hơn là tập trung những giải pháp phù hợp với từng thị trường, ngành hàng, đối tượng hỗ trợ, cũng như tập trung nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính trung và dài hạn…
Chú trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường. Tập trung ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam.
“Nâng cao năng lực về Phòng vệ thương mại để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương; giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước; giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và hiệp hội ngành hàng,” lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6- 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt các mục tiêu sau đây: - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 -8 %. - Tổng kim ngạch xuất khẩu từ 6-8%. - Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. - Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8% so với năm 2021. - Cân đối về điện: + Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến khoảng 275,51 tỷ kWh, tăng 7,88% so với năm 2021. + Điện thương phẩm toàn hệ thống năm 2022 dự kiến khoảng 245,8 ÷ 250,4 tỷ kWh, tăng 7,1 -9,1%. |