Phó Thủ tướng chủ trì họp tháo gỡ khó khăn về giải ngân đầu tư công

Phó Thủ tướng đề nghị 9 cơ quan, đơn vị thuộc Tổ công tác số 1 xem xét lại khả năng giải ngân theo từng quý để kịp thời chuyển giao nguồn vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt.
(Ảnh minh họa: Anh Dũng/TTXVN)

Sáng 16/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chủ trì cuộc họp với 9 cơ quan thuộc Tổ công tác gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tiến độ giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2022 còn thấp.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, theo báo cáo, tình hình giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2022 rất thấp. Nếu tính ước giải ngân từ 1/1/2022 đến 31/5/2022, vốn giải ngân năm 2022 đạt hơn 115.000 tỷ đồng, đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

[Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt gần 18,5%]

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 về việc thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, bộ, ngành dự họp cần tập trung nêu rõ về năng lực giải ngân của từng dự án, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ giải ngân, đề xuất giải pháp, trong đó có hướng điều chuyển nguồn vốn cho những dự án có khả năng giải ngân nhanh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh nếu có vướng mắc về chính sách pháp luật, các đơn vị cần kiến nghị rõ để trình Quốc hội đề nghị sửa đổi; nếu liên quan đến các nghị định của Chính phủ cần nêu cụ thể để Chính phủ xem xét giải quyết kịp thời.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Quốc hội, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong nhóm 9 cơ quan thuộc Tổ công tác số 1 cho biết cơ quan này chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 0,31% trong tổng nguồn vốn 65 tỷ đồng trong năm 2022 là do có vướng mắc về phía nhà thầu và khẳng định cam kết giải ngân hết 100% vốn trong năm nay.

Đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt 4,98% tính đến 15/5 cho biết, trong năm 2022, đơn vị này được phân bổ hơn 304 tỷ đồng, trong đó vốn bố trí mới là 155 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ giải ngân, cơ quan này cho rằng, do ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, cùng năng lực cán bộ thực hiện quản lý các dự án còn yếu nên dự án triển khai chậm so với kế kế hoạch.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã yêu cầu đôn đốc, bổ sung nhân lực cho thực hiện các dự án. Học viện đề xuất Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các quy trình triển khai dự án mới được giao trong năm 2022.

Một số cơ quan tham dự cuộc họp cũng nêu nguyên nhân, khó khăn trong quá trình giải ngân như: vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; các sản phẩm thép và vật liệu xây dựng thiếu hụt, giá cả tăng cao; một số dự án được giao năm 2022 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định...

Trước tình hình trên, các cơ quan đã kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022; đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, trình Chính phủ có phương án và giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công bị ảnh hưởng bởi giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng tăng cao.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh một lần nữa nhấn mạnh, nguồn vốn đầu tư công trong năm 2022 với tổng trị giá hơn 700.000 tỷ đồng là nguồn lực hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Thủ tướng đề nghị 9 cơ quan, đơn vị thuộc Tổ công tác số 1 xem xét lại khả năng giải ngân theo từng quý để kịp thời chuyển giao nguồn vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt.

Trước tình hình giá vật liệu xây dựng và các sản phẩm thép tăng cao, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại quy trình, thủ tục giải ngân, tạo điều kiện tạm ứng tối đa, thanh toán nhanh, hỗ trợ phần nào khó khăn cho nhà thầu.

Đồng thời, Ban Quản lý các dự án có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao năng lực, thẩm quyền, từ đó góp phần đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đối với từng cơ quan, đơn vị, đóng góp kịp thời cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục