Phó Thủ tướng Chính phủ: Chuyển giá xuất hiện ngay từ khâu đầu tư

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt hàng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có báo cáo về thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh, chính sách ưu đãi với đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ "đặt hàng" Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có báo cáo về thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh, chính sách ưu đãi với đầu tư nước ngoài. Điều được Phó Thủ tướng cảnh báo là hiện tượng chuyển giá ngay từ khâu đầu tư.

Đây là vấn đề được nêu lên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 ngày 10/1.

Đăng ký đầu tư 10 tỷ USD, ai xác nhận?

Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, kết quả thu ngân sách năm 2018 của Tổng cục Thuế đạt hơn 1,146 triệu tỷ đồng. Con số này bằng 107,2% dự toán, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2017.

Riêng với thanh tra, kiểm tra, theo ông Nam, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 90.394 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 100,81% kế hoạch năm 2018. Qua đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.302 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 1.978 tỷ đồng, giảm lỗ là 34.411 tỷ đồng.

[Đổi mới phương thức thu hút nguồn vốn FDI để nâng cao hiệu quả]

Tuy nhiên, về thanh tra, kiểm tra, Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm kiến nghị, ngành thuế cần quan tâm hơn tới chỉ tiêu chất lượng hơn là số lượng thanh kiểm tra. Ông Tâm nhắc tới vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ nêu lên trước đó về chất lượng thanh tra kiểm tra thấp.

Ông cũng nêu đề xuất mua cơ sở dữ liệu để phục vụ việc thanh tra giá chuyển nhượng. Ngoài ra, lãnh đạo Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị tăng thời gian thanh tra giá chuyển nhượng. Theo ông, thời gian thanh tra theo quy định hiện tại chỉ 30 ngày là không đủ.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được trình Quốc hội năm nay. Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là của đối tượng chịu tác động là doanh nghiệp, người nộp thuế.

Trong dự án luật trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quản lý giao dịch liên kết, tăng cường chống chuyển giá theo thông lệ quốc tế và quản lý thuế trên cơ sở rủi ro.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng "đặt hàng" cơ quan thuế, Bộ Tài chính có báo cáo thực trạng tài chính, thu hút đầu tư, nghĩa vụ ngân sách và chính sách ưu đãi đầu tư với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng cảnh báo về thực tế chuyển giá ngay từ khâu đầu tư. Phó Thủ tướng đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp đăng ký đầu tư 5-10 tỷ USD thì ai xác nhận?

"Nếu không kiểm tra giám sát thì khoản đó sẽ vào khấu hao, chi phí, nếu là ngoại tệ thì còn chênh lệch tỷ giá. Ta phải có trách nhiệm," Phó Thủ tướng nói.

Phải có "văn hóa hóa đơn"

Với năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam nêu mục tiêu phấn đấu vượt 5% nhiệm vụ thu ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao (hơn 1,168 triệu tỷ đồng).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra câu hỏi: Năm nay vượt 8% được không? Theo Phó Thủ tướng, năm 2018, một trong những lý do ngành thuế đạt được kết quả toàn diện vì đặt mục tiêu phấn đấu cao ngay từ đầu là vượt 7% dự toán.

"Đó là áp lực, trách nhiệm, muốn phấn đấu thu cao phải có chỉ tiêu cao," Phó Thủ tướng nói.

Vấn đề theo Thủ tướng là phải mở rộng cơ sở thuế chứ không phải cải cách thuế theo hướng tăng thuế suất lên.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tạo thành "văn hóa hóa đơn."

"Đừng để kéo dài tình trạng, khi thanh toán, nhân viên hỏi: Bác có lấy hóa đơn VAT không," Phó Thủ tướng cảnh báo.

Phó Thủ tướng khẳng định, tại các nước, "một cốc nước cũng có giá chưa thuế, VAT từng này, tổng ra sao, phải minh bạch như thế." Phó Thủ tướng cũng kể chuyện, nhiều cơ quan thuế thế giới còn phát hành xổ số theo hóa đơn để mọi người "đòi hóa đơn."

Một yêu cầu nữa của Phó Thủ tướng trong thời gian tới với ngành thuế là rà soát lại vấn đề đạo đức, văn hóa trong ngành. Theo Phó Thủ tướng, "nói gì thì nói, hải quan với thuế vẫn là lĩnh vực nhiều rủi ro."

Phó Thủ tướng đề nghị nên tổ chức ký giao ước thi đua. Đây là việc theo ông là "không hình thức" mà để xác định người đứng đầu có làm được hay không.

"Ta để người dân kêu nhiều quá là không được," Phó Thủ tướng lên tiếng./.

Truy thu Sabeco, Unilever: Địa phương kêu "ngoài tầm"

Một vấn đề đáng quan tâm được nhắc tới hội nghị là truy thu thuế Sabeco và Unilever Việt Nam.

Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có chỉ đạo xung quanh việc xử lý truy thu với Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Unilever Việt Nam.

Trước đó, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo về số tiền chậm nộp thuế và tiền nộp vi phạm hành chính của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là hơn 3.140 tỷ đồng. Số trên bao gồm tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 đến 2015 hơn 2.645 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 494 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có giao Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực hiện cưỡng chế Sabeco.

Trên cơ sở này, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định dừng thực hiện cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Sabeco.

Với Unilever Việt Nam, trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng. Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Phía Kiểm toán Nhà nước bởi vậy đã kiến nghị truy thu Unilever.

Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh qua đó đã có văn bản yêu cầu Unilever nộp số thuế trên vào tài khoản của cục thuế mở tại Kho bạc Nhà nước.

Sau đó, phía Unilever đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng. Công ty này kiến nghị không thực hiện cưỡng chế doanh nghiệp để chờ kết luận của Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục