Chiều 27/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP) và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.
Theo Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trên sông và cửa biển thời gian qua rất phức tạp, chưa được xử lý triệt để, nhất là tại các địa bàn giáp ranh chưa xác định địa giới hành chính trên sông hoặc xác định chưa rõ ràng giữa các địa phương, như Vĩnh Phúc với Hà Nội, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Những vi phạm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2014, có 900 giấy phép được cấp cho cho các cá nhân, tổ chức khai thác, kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, sỏi trên sông, trong đó hơn 400 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực.
Mặc dù có giấy phép khai thác, nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn có các vi phạm như không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, không ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, không thực hiện việc giám sát môi trường xung quanh; hoạt động khai thác lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng gây cản trở giao thông; không có hoặc không thực hiện đầy đủ phương án đảm bảo an toàn giao thông; khai thác vượt quá khối lượng và số lượng phương tiện cho phép; không xuất hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định.
Hiện nay, có khá nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa và luồng hàng hải kết hợp với tận thu cát được cơ quan chức năng cấp phép triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động nạo vét, các đơn vị được cấp phép có dấu hiệu lợi dụng giấy phép để tổ chức khai thác cát ngoài khu vực, nạo vét luồng hàng hải, lấn sâu vào các tuyến đường thủy, cảng nội địa, vi phạm về độ sâu, thực hiện không đúng đề án nạo vét đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Thậm chí có việc chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân khác vào khai thác tận thu, vượt quá số lượng phương tiện cho phép, dựa vào giấy phép để trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí tài nguyên... gây tác động tiêu cực đến môi trường, sạt lở, xâm thực, đe dọa an toàn đê sông, đê biển, gây thiệt hại tài sản của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, dẫn tới người dân phản đối, ngăn cản, không cho thực hiện như ở tỉnh Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh...
Bên cạnh đó, do nhu cầu cát, sỏi phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng hiện nay rất lớn, đây lại là loại khoáng sản dồi dào, dễ khai thác và không cần đầu tư nhiều nên hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông diễn ra phức tạp trong cả nước.
Việc khai thác diễn ra cả ngày và đêm tại mọi thời điểm trong năm, với nhiều thủ đoạn đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Tuyến trọng điểm có khối lượng khai thác lớn là các sông: Hồng, Đà, Lô, Cầu, Thái Bình, Văn Úc, Luộc, Trà Lý, Kinh Thầy, Lai Vu,... ở phía Bắc; các sông: Mã, Chu, Đò Lèn, Lam, Hiếu, Trà Khúc, Hương, Hàn... ở miền Trung; các sông: Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền, Hậu, Xoài Rạp, Hàm Luông, Cổ Chiên... ở phía Nam.
Thời gian qua, trên các tuyến sông này đều diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép với hàng trăm phương tiện bơm hút hoạt động ngày đêm, hầu hết số phương tiện này không có đăng ký, đăng kiểm.
Nhiều nguyên nhân của tình trạng trên đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ như sự cố tình vi phạm của các đối tượng tổ chức khai thác, kinh doanh vận chuyển trái phép cát, sỏi vì lý do lợi nhuận cao, văn bản pháp luật chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở chưa quyết liệt, có tình trạng bảo kê, sự phối hợp các ngành chưa tốt, xử lý không cương quyết.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nhu cầu cát, sỏi là rất lớn, việc quản lý khoáng sản này cần đưa vào nền nếp, quản lý khoa học mới có được nguồn vật liệu xây dựng sử dụng lâu dài, bền vững. Qua phân tích các vi phạm cho thấy, để xử lý kiên quyết dứt điểm tình trạng khai thác trái phép cát sỏi, phải lập kênh thông tin nóng để người dân báo lên, từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương.
Đối với việc thực hiện nạo vét đường thủy có tình trạng lợi dụng dẫn đến phá hủy lòng sông, bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị dừng cấp mới theo Quyết định 73/2013/QĐ-TTg về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông-Vận tải quản lý.
Với các nơi đã cấp, Bộ Giao thông-Vận tải kiểm tra, đánh giá, lấy ý kiến các địa phương, báo cáo lại tình hình, nghiên cứu có tiếp tục cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn nữa không, bởi nếu cho phép thúc đẩy xuất khẩu rất có thể các doanh nghiệp lợi dụng tăng công suất khai thác sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên này, không có vật liệu để tiêu dùng và có tác động tiêu cực đến các khu dân cư ổn định, bờ sông, bờ biển.
Bộ Tài nguyên-Môi trường nghiên cứu sửa đổi Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, nội dung liên quan đến các mỏ vật liệu xây dựng nằm ở tuyến đường thủy nội địa. Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các bất cập nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiều địa phương đã nhận ra vấn đề, chấn chỉnh, kiềm chế tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.
Triển khai nghiêm túc nhất là Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Nam, Đắc Nông, Đồng Tháp. Kinh nghiệm của các địa phương này có thể rút ra kinh nghiệm chung cho cả nước. Phó Thủ tướng khẳng định không cấm khai thác cát, sỏi nhưng việc này phải làm theo quy hoạch, kế hoạch, có giấy phép.
Công tác quản lý nhà nước trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi cần được đưa vào nền nếp và việc đầu tiên là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Chỉ thị số 447/CT-TTg về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cát tặc là một loại tội phạm mới cần xử lý. Tình hình vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn, thậm chí dùng cả xã hội đen để đe dọa lực lượng chức năng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình an ninh trật tự. Bộ Công an cần chỉ đạo các đơn vị phối hợp tổ chức cao điểm đấu tranh với các vi phạm, điều tra xử lý nghiêm các băng nhóm hoạt động, các đối tượng cầm đầu bảo kê.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường chịu trách nhiệm triển khai một cách đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, phối hợp với các bộ, ngành định kỳ kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông ở các khu vực giáp ranh.
Đồng ý với việc phải xã hội hóa công tác nạo vét tuyến luồng hàng hải nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải không cấp phép mới, những nơi đã cấp không hồi tố nhưng phải rà soát tổng kết, không để Quyết định 73/2013/QĐ-TTg bị lợi dụng, ảnh hưởng đến dòng chảy hai bên bờ sông, cửa biển.
Các địa phương lên phương án phối hợp giữa các vùng giáp ranh, giải tỏa các bãi tập kết cát, sỏi trái phép trong tháng 12/2015, tiến hành truy thu thuế, không để thất thoát, rà soát từng vị trí có phương án khắc phục, phải làm rõ ở đâu xảy ra tội phạm khai thác cát, sỏi trái phép, người đứng đầu, Bí thư, Chủ tịch, Công an phải chịu trách nhiệm, phải phê bình kiểm điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát công tác quản lý nhà nước, đấu tranh phòng chống tội phạm “cát tặc”./.