Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, trong giai đoạn 2021-2030, ngành giao thông cần đầu tư xây dựng ít nhất 2.000-3.000km đường cao tốc để đến năm 2030 có khoảng 5.000km đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư gắn với nâng cao chất lượng công trình xây dựng
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra sáng nay (ngày 11/1), đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc ngành vận tải, tăng cường quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông, khắc phục thất thoát, lãng phí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các dự án đường sắt đô thị, đường cao tốc, công trình kết nối vùng đã được đầu tư xây dựng, tạo ra bộ mặt mới cho nhiều khu vực về hạ tầng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
[Cao tốc Bắc-Nam: Đấu thầu chọn nhà đầu tư ‘lời ăn, lỗ chịu’]
Đặc biệt, các dự án trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện bám sát chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra tồn tại trong việc phối hợp hoàn thiện thể chế chính sách còn chậm, ảnh hưởng đến huy động các nguồn lực cũng như quản lý ngành. Đơn cử, dự án BOT Trung Lương-Mỹ Thuận có nhiều vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, việc huy động nguồn lực cho hạ tầng giao thông còn khó khăn.
“Công tác quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm nhưng thiếu đồng bộ, có những quy hoạch chất lượng thấp, tính dự báo chưa cao nên phải điều chỉnh, dẫn đến chắp vá như các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất hay các cảng hàng không khu vực ven biển…,” Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá việc chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm, chưa cao, có dự án còn sai phạm; quản lý khai thác dự án BOT còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp...
Nhấn mạnh ngành giao thông cần tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch ngành giao thông vận tải, xây dựng chiến lược phát triển 10 năm, giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chú ý quy hoạch chi tiết cảng hàng không, cảng biển, công trình giao thông, quy hoạch kết nói giữa các phương thức vận tải, giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với hệ thống giao thông quốc gia...
Theo Phó thủ tướng, trong giai đoạn 2021-2030, ngành giao thông cần đầu tư xây dựng ít nhất 2.000-3.000km đường cao tốc để đến năm 2030 có khoảng 5.000km đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư gắn với nâng cao chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí; kịp thời xử lý hiệu quả vướng mắc trong quá trình thu phí hoàn vốn dự án BOT và đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động...
Thừa nhận tai nạn giao thông năm 2018 tuy giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước nhưng không đạt chỉ tiêu giảm 5-10% số người tử vong, Phó Thủ tướng cho rằng, mỗi năm số người bị thương tương đương với một huyện là rất nặng nề, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Gần đây, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như xe lao vào người đang chờ đèn đỏ, lật xe trên đèo Hải Vân hay một số vụ việc mất an toàn hàng không rất đáng lo ngại.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Công an và các địa phương cần chú trọng đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bộ Công an chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp gây rối, vi phạm trật tự an toàn giao thông, chở quá khổ, quá tải./.
Năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành và đưa vào khai thác 27 công trình, dự án giao thông với tổng mức đầu tư 68.114 tỷ đồng do Bộ làm chủ đầu tư, đã khởi công xây dựng 16 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 13.386 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đang triển khai những dự án, đề án rất lớn như đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông; sân bay quốc tế Long Thành; mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam...