Phó Thống đốc: Theo dõi sát việc sử dụng vốn vay vào bất động sản

Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, Phó Thống đốc cho rằng ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng thì cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ, ngành chức năng.
Phó Thống đốc: Theo dõi sát việc sử dụng vốn vay vào bất động sản ảnh 1Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thị trường bất động sản hiện đang tăng cao khiến nhiều người lo ngại dấy lên đợt “bong bóng” gây tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng với những lĩnh vực có rủi ro, trong đó có bất động sản.

Để hiểu rõ hơn về dòng tiền “đổ” vào lĩnh vực bất động sản, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú xung quanh vấn đề này.

- Có ý kiến cho rằng lĩnh vực bất động sản hiện đang tăng nóng, vậy xin Phó Thống đốc cho biết tình hình cho vay của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực này hiện như thế nào?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đối với lĩnh vực bất động sản, ngành ngân hàng luôn quan tâm và giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực này trong thời gian qua. Trong 3 năm qua, tín dụng bất động sản có tín hiệu giảm dần. Đặc biệt trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, tín dụng bất động sản chỉ tăng trưởng 11,89%, trong khi đó các năm 2018 và 2019, tín dụng bất động sản tăng 26%-28%.

Tính đến hết tháng 3/2021, tín dụng bất động sản tăng 3%, tương đương với mức tăng tín dụng nói chung. So với cuối năm 2020 thì tín dụng bất động sản có tăng cao hơn do tác động của dịch COVID-19, nhưng so với cùng kỳ năm 2018 và 2019 thì mức tăng của tín dụng bất động sản không cao hơn và thậm chí còn thấp hơn. Điển hình, quý1/2019 tín dụng vào bất động sản là 5,13%.

[Giá bất động sản tăng: Ngân hàng siết chặt tín dụng, tránh rủi ro kép]

Điều đó cho thấy tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt vào phân khúc đầu tư bất động sản của dự án cao cấp. Việc kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý và có cảnh báo các ngân hàng thương mại. Và do đó, có thể nói rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng không phải xuất phát từ nguồn vốn tín dụng.

- Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp giám sát cũng như cảnh báo cụ thể như thế nào đến các tổ chức tín dụng khi mà lượng vốn đổ vào bất động sản tăng cao, thưa ông?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Nguyên nhân thị trường bất động sản tăng, như nhiều chuyên gia và nhiều diễn đàn đã phân tích đánh giá thì do các thông tin quy hoạch, giá đất các địa phương công bố và nhiều nguyên nhân khác nữa.

Còn đối với tín dụng bất động sản, thực tế trong suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm và kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro nói chung, đặc biệt đối với tín dụng bất động sản nói riêng.

Về công cụ giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tối đa là 40%. Thứ hai là áp dụng tỷ lệ hệ số rủi ro 150% đối với các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro và cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng để điều chỉnh kịp thời các khoản vay.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành đến các chi nhánh ngân hàng thương mại  cũng như Ngân hàng Nhà nước 63 tỉnh, thành phố và đặc biệt là triệu tập chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại trên toàn quốc để phân tích, đánh giá và cảnh báo nguy cơ có thể dẫn đến rủi ro nếu như không quản lý chặt chẽ dòng tiền.

Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường quản lý việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro; theo dõi sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, tránh việc vay vì các lý do khác nhưng bản chất là đầu tư vào bất động sản; đặc biệt, quản lý chặt để đảm bảo dòng tiền đi đúng vào lĩnh vực cần thiết, mục đích sử dụng của khoản vay.

- Trong bối cảnh hiện nay, với vai trò là lãnh đạo Ngân hàng Trung ương, ông có khuyến cáo gì với người dân đang muốn vay vốn để đầu tư vào bất động sản?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Vấn đề giá bất động sản tăng nóng ở một số địa phương đã được nhận diện, đánh giá, phân tích với nhiều nguyên nhân. Để phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, không bong bóng, đảm bảo an toàn vĩ mô, chúng tôi cho rằng ngoài việc thắt chặt dòng tiền của các tổ chức tín dụng thì cũng cần có chính sách đồng bộ của các bộ, ngành chức năng đối với thị trường này.

Còn đối nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp hay người dân là nhà đầu tư nhỏ lẻ cần nghiên cứu thị trường, nắm bắt các thông tin đầy đủ, nhất là các thông tin chính thống để đưa ra quyết định đầu tư một cách hợp lý, tránh trường hợp khi giá đất tăng thì nhiều người đổ xô đi mua còn khi thị trường trầm lắng thì lại đổ xô đi bán. Khi đó, chính nhà đầu tư sẽ là người bị thiệt hại nặng nề.

Về phía cơ quan quản lý, trong thời gian tới, việc điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát những diễn biến vĩ mô hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh  vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro nhằm đảm bảo người dân và doanh nghiệp thực sự  có nhu cầu được tiếp cận vốn để phục vụ mục tiêu phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục