Tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 2/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến tháng 5/2016 nợ xấu mới chỉ ở mức 2,78% và vẫn thấp hơn mức 3% đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên do nợ xấu đang có xu hướng nhích lên ở một số tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định đang tích cực chỉ đạo nhằm kiểm soát nợ xấu trong biên độ cho phép.
Nói rõ thêm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Ngân hàng nhà nước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải báo cáo về Ngân hàng Nhà nước và đưa ra phương án giải quyết.
“Thống đốc cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh, chỉ đạo tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu từ VAMC cũng đang được chỉ đạo tích cực, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%,” Phó Thống đốc nói.
Trước đó, Báo cáo tài chính của một số ngân hàng lớn vừa công bố cho thấy, nợ xấu đã gia tăng trong nửa đầu năm nay. Điển hình như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2% vào 30/6/2016, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu đội thêm.
Tại một số ngân hàng thương mại lớn khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm nay, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, tỷ lệ nợ xấu không nhiều thay đổi, thậm chí giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, mức tăng đột biến cũng xuất hiện ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ 1,86% vào cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý 2/2016.
Một ngân hàng khác có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, lên 2,83% so với mức 1,85% cuối 2015… do vậy, phương hướng trong những tháng cuối năm của Ngân hàng nhà nước là kiểm soát nợ xấu để không nguy hại cho toàn hệ thống.
Trước đó, báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất.
Do vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu là vấn đề mà Chính phủ rất quan tâm và được đặt ra để giải quyết khó khăn tình hình kinh tế trong 6 tháng cuối năm nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng./.