Trả lời câu hỏi của báo chí về việc lãi suất ngân hàng thấp, có tình trạng rút tiền gửi tiết kiệm để đưa ra các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu… hay không? Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết phía Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát các diễn biến trên thị trường tiền tệ và sẽ có điều chỉnh khi cần thiết.
Thông tin thêm tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 2/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh việc rút tiền để đầu tư vào đâu là do quyền của người gửi tiền và việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư.
[Sàn Forex có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép]
Theo ông Tú, trong 10 tháng vừa qua, tăng trưởng tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng là 10,65%, cao hơn cả chỉ số tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý, những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra ít hơn so với người gửi vào.
“Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Trả lời câu hỏi ngân hàng có quyền từ chối cung cấp tài khoản cho ngành thuế hay không, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 5/12/2020 theo Luật quản lý thuế.
Đã là luật thì tất cả các tổ chức và cá nhân phải chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với ngành thuế cung cấp tài khoản đúng quy định.
“Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp số tài khoản. Việc này đảm bảo sự minh bạch cho việc chấp hành chính sách thuế của nhà nước. Việc bảo mật và những thông tin tài khoản liên quan sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc,” Phó Thống đốc nói.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết thêm đây không phải là vấn đề mới. Việc kê khai tài khoản ngân hàng và giao dịch ngân hàng có quy định trong các thủ tục cải cách hàng chính.
Thông tin về các tài khoản cá nhân cho cơ quan quản lý thuế chỉ thực hiện đối với việc thanh, kiểm tra các đối tượng cần cưỡng nợ thuế theo quy định. Việc bảo mật an toàn thông tin tài khoản thì cơ quan quản lý thuế sẽ phối hợp với ngân hàng thực hiện theo dung quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ra sao trong vấn đề khắc phục hậu quả lũ lụt tại miền Trung và Tây nguyên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay sau cơn bão số 9 khoảng 1 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong vùng lũ lụt và tổ chức tín dụng xử lý, rà soát các khoản cho vay của những người bị thiệt hại để hoãn, giãn, hạ lãi suất… với những doanh nghiệp và đối tượng này, nhất là gia đình chính sách và hộ nghèo.
Đến nay, dư nợ cho vay đối với vùng lũ lụt khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ giảm lãi cho hơn 17 nghìn khách hàng với hơn 17 nghìn tỷ đồng và cho vay mới trên 4.000 tỷ đồng.
Xung quanh kiến nghị thành lập sàn vàng của Hiệp hội Vàng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên định với những chính sách, cơ chế, đó là thực hiện nghiêm túc Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng và thực tế đã được chứng minh.
Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, Nghị định 24/2012/NĐ-CP đi vào cuộc sống thấy, với lợi ích đem lại rất lớn là giá vàng không còn "nhảy múa" như trước, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Vàng vẫn được quản lý theo cơ chế quản lý ngoại hối chặt chẽ. Sau 8 năm thực hiện cơ chế thành lập sàn vàng và tạo điều kiện thêm cho việc kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế vĩ mô và lợi ích chung cho cộng đồng./.