Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đến ngày 15/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp góp phần hỗ trợ kinh tế.

Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động trong những tháng cuối năm. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động trong những tháng cuối năm. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết theo thống kê nhanh của ngành Ngân hàng, tính đến ngày 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%.

“Cách đây khoảng 1 tuần, tăng trưởng tín dụng là 11,9%. Tính đến ngày 8/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,21% so với cuối năm 2023, tăng 16,86% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 9%.”

Thông tin trên được Phó Thống đốc Đào Minh Tú đưa ra tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 7/12.

Cụ thể hơn, theo ông Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng hòa đồng nhịp độ chung với tăng trưởng của nền kinh tế, tín dụng gắn chặt hỗ trợ tăng trưởng. Điều này cũng được nhấn mạnh tại phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn về tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.”

Đại diện Ngân hàng Nhà nước bày tỏ tin tưởng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu đề ra là 15%, đồng thời hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát đặt ra từ đầu năm 2024.

Phân tích thêm, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh các lý do giúp tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu đề ra dù cũng bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Yagi), đó là nền kinh tế đã có nhiều thuận lợi, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn; phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực.

“Bên cạnh đó, có sự điều hành tích cực đồng bộ từ Chính phủ, Trung ương và địa phương. Các chính sách tài khóa tiền tệ có sự kết hợp hài hòa điều đó giúp cho khởi sắc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vay vốn, tăng hấp thụ vốn của nền kinh tế,” Phó Thống đốc nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, về điều hành tín dụng, trên cơ sở định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thực tế, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tu.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin tại họp báo Chính phủ ngày 7/12. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi), ngành Ngân hàng đã tích cực và kịp thời triển khai ngay các giải pháp góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Đến nay, đã có 35/40 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5% - 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5%- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5% - 8%/năm.

Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục