Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm 2024, tín dụng đã có điểm tích cực hơn tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu vốn không cao, khả năng tiếp cận vốn nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.
Tín dụng năm 2024 tăng 15,08%
Phát biểu tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 tổ chức chiều nay (7/1), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 31/12/2024, tín dụng đã tăng 15,08%, đạt mục tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm (15%), đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2024, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu room tín dụng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu room tín dụng lần này không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào hơn mà còn để ổn định thị trường tiền tệ.
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu và để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về nghiên cứu dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu định hướng tín dụng tăng 16%. Phó Thống đốc cho biết ngành ngân hàng rất mong nền kinh tế nhận được nhiều nguồn vốn khác (trái phiếu doanh nghiệp, vốn tư nhân, ngân sách...) để giảm áp lực cho tín dụng. Tuy vậy, ngành ngân hàng cũng xác định trách nhiệm của mình nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ.
“Con số 16% chỉ là mục tiêu định hướng, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tùy tình hình thực tế trên cơ sở ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Lãi suất huy tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều
Trong điều hành lãi suất, Phó Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Tính đến hết năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,71%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,59% so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đã giảm trung bình gần 1%. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Phó Thống đốc cũng cho biết hiện cũng có hiện tượng một số ngân hàng thương mại nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản, tuy nhiên mức tăng ở mức nhỏ và không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Về tỷ giá, Việt Nam chịu áp lực lớn do độ mở của nền kinh tế, cùng với các yếu tố như chính sách kinh tế của các nước lớn, biến động đồng USD, biến động địa chính trị và tình hình xuất nhập khẩu. Trong năm, tỷ giá USD có thời điểm tăng hơn 7% nhưng vẫn là mức tăng ít hơn so với nhiều nước, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong số các nước có tỷ giá ổn định.
"Cuối năm, tỷ giá tăng khoảng 5,03%, chúng tôi đánh giá là mức hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp và nhà đầu tư không lo ngại, có tâm lý đầu cơ và găm giữ USD," Phó Thống đốc nói.
Về thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được./.